Vàng "vô hình" có thể trị giá 24 tỷ USD ở Nam Phi
Vùng Witwatersrand có những đồi quặng đuôi chứa lượng vàng ước tính trị giá tới 24 tỷ USD, có thể khai thác bằng phương pháp mới hiệu quả hơn.
Witwatersrand ở Nam Phi là nơi diễn ra cơn sốt vàng lớn vào cuối thế kỷ 19. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác vàng từ đó lớn đến mức châm ngòi cho sự ra đời của thành phố Johannesburg. Ước tính 40% tổng lượng vàng khai thác trên Trái đất cho tới nay được thu thập tại đây, để lại những đồi quặng đuôi khổng lồ (vật liệu được thải ra trong quá trình tách khoáng sản khỏi quặng). Tiến sĩ Steve Chingwaru, nhà luyện kim 26 tuổi đến từ Zimbabwe, gần đây tiến hành nghiên cứu cho thấy 6 tỷ tấn quặng đuôi quanh các khu mỏ ở Johannesburg có thể chứa tới 460 tấn "vàng vô hình", IFL Science hôm 28/5 đưa tin.
Mỏ vàng ở Witwatersrand. (Ảnh: 911 Metallurgist).
Vàng không phải luôn tồn tại ở dạng thỏi. Đôi khi, những lượng vàng rất nhỏ lẫn bên trong khoáng chất khác, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, gọi là vàng vô hình. Sau khi xác định lượng vàng trong đồi chất thải của Witwatersrand, dự án của Chingwaru tìm cách tốt hơn để tái xử lý quặng đuôi nhằm thu được vàng do phương pháp hiện nay khá kém hiệu quả.
"Trong lịch sử, mật độ vàng thấp bên trong quặng đuôi được xem là không có giá trị. Nhưng hiện nay, khai thác mỏ quá nhiều làm cạn kiệt phần lớn quặng có mật độ vàng cao, đến mức không thể khai thác nữa. Một số hầm mỏ đã đạt tới độ sâu 4 km dưới lòng đất. Tìm kiếm vàng từ các nguồn mật độ thấp đang trở nên khả thi hơn. Thông thường, chỉ có thể khai thác 30% vàng thông qua quá trình này. Vì vậy, nghiên cứu của tôi tập trung vào tách an toàn 70% lượng vàng còn lại từ đá vàng găm (pyrite)", Chingwaru giải thích.
Ngoài kém hiệu quả, những phương pháp khai thác quặng đuôi hiện nay còn gây tác hại lớn cho môi trường. Khi sulphide bị oxy hóa, chúng tạo ra axit sulphuric, hòa vào nước ngầm làm tăng khả năng lan rộng một số yếu tố độc hại. Đó là vấn đề lớn ở vài nơi tại Johannesburg, nơi người dân lo sợ nước ngầm bị ô nhiễm do nước axit liên quan tới quặng đuôi. Quá trình xử lý mà Chingwaru phát triển có khả năng thu hồi thêm phụ phẩm có giá trị như đồng, cobalt và nickel, đồng thời loại bỏ ô nhiễm kim loại nặng và nước axit gắn liền với quặng đuôi.
Nghiên cứu của Chingwaru chỉ ra quặng đuôi ở Johannesburg chứa số vàng trị giá tới 24 tỷ USD. Vấn đề là liệu phương pháp mới có đủ rẻ để khai thác vàng và tạo ra lợi nhuận hay không. Chingwaru cho biết anh đã nói chuyện với một số người trong ngành khai thác vàng ở Nam Phi và họ cho rằng phương pháp của anh có thể mở rộng quy mô để khả thi về mặt kinh tế.
- Sau mỏ kim cương "khủng", Nga lại phát hiện thêm mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất thế giới
- Vì sao suốt 80 năm không ai dám đào mỏ vàng có trữ lượng lớn bậc nhất thế giới?
- Vì sao bạch đàn được gọi là "cây hút vàng"? Bí mật nằm ở bộ phận vùi sâu dưới lòng đất