Vật thể liên sao đầu tiên phát nổ trên Trái đất

Một quả cầu lửa bốc cháy trên bầu trời Papua New Guinea năm 2014 là vật thể bay nhanh đến từ hệ sao khác, theo thông báo gần đây của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSC).


Mô phỏng thiên thạch bay qua khí quyển Trái đất. (Ảnh: Independent)

Thiên thạch nhỏ có đường kính 0,45m bay qua khí quyển Trái đất vào ngày 8/1/2014 sau khi di chuyển trong không gian ở vận tốc hơn 210.000km/h, tốc độ vượt xa vận tốc trung bình của thiên thạch trong Hệ Mặt trời, theo nghiên cứu vào năm 2019 trên cơ sở dữ liệu arXiv, Space hôm 12/4 đưa tin.

Nghiên cứu năm 2019 nhận định tốc độ và đường bay của thiên thạch chứng minh vật thể có nguồn gốc ngoài Hệ Mặt trời với xác suất 99%. Có thể nó đến từ một hệ hành tinh hoặc một ngôi sao trong đĩa bụi dày của dải Ngân Hà. Dù vậy, nghiên cứu này không được xuất bản trên tạp chí khoa học do một số thông tin cần thiết để xác minh các tính toán bị chính phủ Mỹ phân loại là tài liệu mật.

Hiện nay, các nhà khoa học của USSC chính thức ghi nhận phát hiện của nhóm nghiên cứu. Hôm 6/4, trung úy Gen. John E. Shaw, phó chỉ huy USSC, cho biết phân tích năm 2019 về khối cầu lửa "đủ chính xác để xác nhận đường bay liên sao". Thông báo trên biến thiên thạch năm 2014 thành vật thể liên sao đầu tiên được phát hiện trong Hệ Mặt trời, sớm hơn 3 năm so với 'Oumuamua, thiên thể nổi tiếng hình điếu thuốc bay nhanh đến mức giới nghiên cứu cho rằng nó đến từ hệ sao khác.

Amir Siraj, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard kiêm tác giả chính của nghiên cứu năm 2019, chia sẻ ông vẫn có ý định xuất bản kết quả phát hiện. Do thiên thạch phát nổ bên trên Nam Thái Bình Dương, có thể những mảnh vỡ của nó đã rơi xuống nước và nằm ở đáy biển. Dù việc tìm kiếm những mẩu thiên thạch gần như bất khả thi, Siraj đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia về khả năng tiến hành một chuyến thám hiểm để thu thập mảnh vỡ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất