Vẹo cổ ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Vẹo cổ ở người lớn là một chấn thương cổ gây cảm giác đau đớn. Cổ có thể bị vặn sang một bên, cử động của cổ thường đau và rất hạn chế. Người bệnh có thể nhận thấy co thắt cơ nghiêm trọng, đau và khó quay đầu. Ngay cả việc ra khỏi giường cũng có thể gây đau đớn và khó khăn.
Những điều cần biết về chứng vẹo cổ ở người lớn
Chứng vẹo cổ cấp tính có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày hoặc đến vài tuần. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể phát triển thành mãn tính, nghiêm trọng và làm tăng khả năng tái phát trong tương lai. Điều này còn có thể được gọi là chứng loạn trương lực cổ hoặc chứng vẹo cổ co thắt.
1. Nguyên nhân gây ra chứng vẹo cổ ở người lớn
Hầu hết những người bị vẹo cổ thường không rõ nguyên nhân. Bất cứ điều gì, từ những chuyển động nhanh, mạnh, đến thể thao hoặc chấn thương hệ thần kinh đều có thể gây ra chứng vẹo cổ. Đôi khi, những chấn thương ở cổ trước đây có thể khiến bạn dễ bị vẹo cổ cấp tính.
Một số người có thể thức dậy với cảm giác cứng đơ hoặc đau đớn, điều này cũng có thể dẫn đến chứng vẹo cổ. Nguyên nhân có thể do gối quá cao, nằm không đúng tư thế,...
Ngoài ra, một số tình trạng khác cũng có thể là nguyên nhân gây vẹo cổ ở người lớn như:
- Chấn thương ở cổ hoặc cột sống, khiến cơ co thắt
- Nhiễm trùng đầu hoặc cổ, nơi tình trạng viêm khiến cơ co lại
- Áp xe ở cổ họng hoặc đường hô hấp trên
- Nhiễm trùng các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tai, xoang, hàm, răng hoặc da đầu
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra chứng vẹo cổ bao gồm:
- Mô sẹo
- Viêm khớp cột sống cổ
- Bất thường mạch máu
- Lạm dụng ma túy gây ra sự thiếu kiểm soát cơ bắp
- Sử dụng một số loại thuốc
- Khối u
Nguyên nhân gây ra chứng vẹo cổ ở người lớn không rõ ràng. (Ảnh: Internet).
2. Triệu chứng vẹo cổ ở người lớn
Các triệu chứng của chứng vẹo cổ khác nhau ở mỗi người. Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng này là cổ bị vẹo hoặc nghiêng sang một bên.
Ngoài ra, các triệu chứng vẹo cổ khác ở người lớn có thể gặp như:
- Chuyển động hạn chế hoặc bất thường của cổ
- Đau dữ dội ở một bên hoặc ở giữa cổ
- Nhức đầu
- Đau lưng
- Cơn đau có thể lan xuống cánh tay. Thỉnh thoảng, bạn sẽ cảm thấy như bị kim châm, tê hoặc yếu ở tay hoặc chân.
- Cơ cổ bị sưng
- Cằm lệch sang một bên và bị đau nếu cố gắng khắc phục
- Các cử động làm cơn đau trầm trọng hơn
Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng vẹo cổ là cổ bị vẹo hoặc nghiêng sang một bên. (Ảnh: Internet).
3. Làm thế nào để chẩn đoán vẹo cổ ở người lớn
Các triệu chứng của tình trạng vẹo cổ tương đối điển hình và dễ nhận biết. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng vẹo cổ bằng khám thực thể và đặt câu hỏi về tiền sử gia đình. Họ cũng có thể hỏi về bất kỳ loại thuốc nào hiện tại mà người đó đang dùng.
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang cổ để xác định xem vấn đề là do gãy xương hay trật khớp.
Chụp CT có thể cần thiết để chẩn đoán chứng vẹo cổ do những bất thường hoặc tình trạng khó phát hiện hơn. Chúng có thể bao gồm viêm khớp thoái hóa cột sống.
Nhìn chung, sẽ tuỳ vào tình trạng bệnh, các yếu tố như bạn đã từng bị chưa, có thường xuyên gặp tình trạng này không,... bác sĩ sẽ đưa ra các hướng thăm khám phù hợp đối với người bệnh.
4. Điều trị chứng vẹo cổ ở người lớn
Đối với một số trường hợp, tình trạng vẹo cổ có thể tự khỏi sau vài ngày nếu người đó nghỉ ngơi và tránh cử động cổ.
Các phương pháp điều trị chứng vẹo cổ khác có thể áp dụng:
- Chườm bằng đá gel.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ và thuốc chống viêm cho chứng vẹo cổ do chấn thương hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
- Sử dụng thiết bị vật lý để giữ cổ cố định tại chỗ.
- Vật lí trị liệu.
- Liệu pháp xoa bóp.
- Bài tập kéo dãn.
Những người bị vẹo cổ cũng có thể thử các biện pháp điều trị tại nhà để giúp kiểm soát các triệu chứng đau và khó chịu như:
- Ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn: Các triệu chứng đau cổ có thể biến mất trong khi ngủ, vì vậy nghỉ ngơi nhiều và nằm xuống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và mang lại sự thoải mái.
- Sử dụng túi chườm nóng hoặc túi nước đá: những thiết bị này có thể giảm đau và làm dịu các cơ bị căng.
- Giữ tinh thần thoải mái: căng thẳng có thể khiến cơ bắp căng cứng và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng vẹo cổ.
- Thực hiện bài tập kéo dãn: bài tập được thực hiện bằng cách cố gắng dần dần di chuyển đầu theo hướng ngược lại, mỗi lần cố gắng nhích một chút đến khi các cơ quen dần với việc chuyển động. Điều này có thể giúp cải thiện chuyển động và giảm bớt sự khó chịu.
Dưới đây là bài xoa bóp, day huyệt giúp giảm triệu chứng vẹo cổ cấp tính mà mọi người có thể áp dụng:
1. Xoa bóp
Bạn có thể dùng một chút dầu thoa lên vùng cổ, vai của bên bị đau. Dùng bốn ngón tay, trừ ngón tay cái day bóp vùng cổ vai từ 20 đến 30 lần. Sau đó, tiếp tục bóp và véo gân cơ vùng vai 20 đến 30 lần. Khi xoa bóp bạn không cần dùng lực quá mạnh, xoa nhẹ nhàng để các cơ mềm ra.
2. Day ấn huyệt
Nguyên tắc khi xoa bóp, ấn huyết để điều trị vẹo cổ là không ấn trực tiếp vào vùng cơ bị đau. Vì khi bị vẹo cổ, các cơ ở vùng cổ gáy bó chặt lại với nhau, chung ta càng ấn, càng day vào vùng này sẽ càng làm cho cơ co lại, người bệnh cảm thấy khó chịu và đau đớn hơn.
Thay vào việc ấn trực tiếp vào vùng cơ bị đau, mọi người nên day ấn các điểm bám vào gân, vào xương của cơ bằng cách day ấn vào các huyệt như huyệt phong trì, đại chuỳ, kiên tỉnh, lạc chẩm và hậu khê. Mỗi huyệt day ấn 1 đến 2 phút theo chiều kim đồng hồ.
- Vị trí huyệt phong trì: huyệt này nằm ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi ấn có cảm giác tức nặng.
Huyệt phong trì. (Ảnh: Internet).
- Vị trí huyệt đại chuỳ: nằm ngay ở chỗ lồi lớn nhất, tại phần u xương của đốt sống thứ 7. Mọi người có thể xác định bằng cách ngồi hơi cúi đầu và xác định đốt sống cổ thứ 7 (u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ số 7) huyệt này nằm ngay ở chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7.
Huyệt đại chuỳ. (Ảnh: Internet).
- Vị trí huyệt kiên tỉnh: huyệt này nằm ở trên vai, nơi giao giữa đường ngang nối đốt sống cổ thứ 7 và đường giữa xương bả vai, huyệt này là phần lõm ở giữa vai.
Huyệt kiên tỉnh. (Ảnh: Internet).
- Vị trí huyệt lạc chẩm: Ở mu bàn tay giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, sau khớp xương bàn ngón chừng 0,5 thốn (khoảng 1,1cm), khi ấn có cảm giác tức. Đây là huyệt đạo có hiệu quả điều trị đặc biệt đối với chứng vẹo cổ, do đó được gọi là huyệt lạc chẩm. Bạn có thể dùng đầu ngón trỏ hoặc đầu bút bi day ấn từ nhẹ đến mạnh.
Huyệt lạc chẩm nằm ở mu bàn tay giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa. (Ảnh: Internet).
- Vị trí huyệt hậu khê: nằm ở chỗ lõm ngay phía sau xương ngón và bàn. Chỗ lõm phía sau khớp xương ngón số 5 và bàn tay. Tức nằm ngang với đầu trong đường vân tim ở bàn tay, điểm tiếp xúc giữa lòng bàn tay và mu bàn tay.
Huyệt hậu khê. (Ảnh: Internet).
Trên đây là những thông tin về chứng vẹo cổ ở người lớn cũng như cách điều trị. Vì không rõ nguyên nhân gây bệnh nên cũng không có những khuyến cáo cụ thể để phòng ngừa. Tình trạng này có thể tự khỏi nhưng ở một số người có thể phát triển thành mãn tính. Do đó, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và xin lời khuyên từ bác sĩ khi gặp tình trạng này.
- Đột quỵ mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Những điều cần biết về rối loạn chuyển hóa axit béo ở trẻ sơ sinh
- Vừa đau họng vừa đau tai là bệnh gì?