Vết tích nghi là siêu núi lửa trên sao Hỏa
Vùng trũng hình tròn trên hành tinh đỏ có thể hình thành sau khi núi lửa phun trào mạnh, giải phóng lượng lớn vật chất.
Các nhà khoa học nhận định vùng trũng hình tròn lớn mang tên Ismenia Patera trên sao Hỏa có thể là dấu tích của một siêu núi lửa sau khi nghiên cứu hình ảnh và dữ liệu địa hình mới, Mirror hôm 13/4 đưa tin. Trước đó, NASA và Viện Khoa học Hành tinh (PSI) cho rằng vùng trũng này hình thành sau một vụ va chạm cổ xưa với thiên thạch.
Hình ảnh Ismenia Patera trên sao Hỏa do tàu vũ trụ Mars Express ghi lại. (Ảnh: ESA).
Dữ liệu mới được gửi về từ các tàu vũ trụ đang bay quanh sao Hỏa, trong đó có Mars Odyssey, Mars Global Surveyor, Mars Reconnaissance Orbiter của NASA và Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). "Trên sao Hỏa, núi lửa trẻ có vẻ ngoài rất đặc trưng giúp chúng tôi nhận diện", Joseph Michalski, nhà nghiên cứu tại PSI và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết.
"Tuy nhiên, việc núi lửa cổ xưa trông thế nào lại là câu hỏi đã tồn tại từ lâu. Có lẽ chúng giống như hình ảnh mới này", Michalski nói thêm. Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể một đợt phun trào mạnh đã diễn ra. Những núi lửa giải phóng lượng lớn vật chất như vậy chỉ trong một lần phun trào gọi là siêu núi lửa, theo ESA.
"Loại phun trào mạnh này giải phóng lượng tro bụi và vật chất lớn gấp nhiều lần dạng núi lửa trẻ điển hình của sao Hỏa. Trong những vụ phun trào kiểu này trên Trái Đất, vật chất có thể bay lên, lan rộng trên khí quyển và tồn tại ở đó lâu đến mức làm thay đổi nhiệt độ toàn cầu nhiều năm", chuyên gia Jacob Bleacher tại trung tâm Goddard thuộc NASA giải thích.
Sau khi núi lửa phun trào, mặt đất xung quanh có thể sụt xuống thành vùng trũng, khiến khu vực này trông giống miệng hố do thiên thạch đâm xuống. "Nếu có vài núi lửa như vậy từng hoạt động, chúng có thể tác động lớn đến sự tiến hóa của sao Hỏa", Bleacher nhận xét.