Vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân khiến tâm trạng bạn “mưa nắng thất thường”?
Trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học nhận ra rằng, vi khuẩn đường ruột thực sự có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của một người.
Theo trang New Sciencetist, quá trình khám phá bắt đầu từ năm 2004 khi một nhà nghiên cứu tại Đại học Kyushu, Nhật Bản phát hiện thấy, những con chuột thiếu vi khuẩn đường ruột có những phản ứng bất thường đối với sự căng thẳng.
Không giống những con chuột trong tự nhiên, những con chuột nuôi trong môi trường vô trùng thiếu các vi khuẩn trong ruột giống như các loài chuột hoang. Không có vi khuẩn, những con chuột trong phòng thí nghiệm cũng vì thế mà dễ bị tổn thương hơn trước mầm bệnh vì không có các vi khuẩn lành tinh chống lại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
Vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng thực sự tới tâm trạng của con người.
Những con chuột thiếu vi khuẩn trong ruột dành ít thời gian hơn bên những con chuột khác và thường có phản ứng cường điệu hơn khi gặp căng thẳng so với những con chuột có hệ vi khuẩn đa dạng và khỏe mạnh. Trạng thái của con chuột bị thiếu vi khuẩn đường ruột đó như thể một con chuột bị trầm cảm. Tuy nhiên sau khi các nhà nghiên cứu cho những con chuột này ăn hỗn hợp vi khuẩn không chứa mầm bệnh, chúng đã phát triển một dạng phản ứng căng thẳng thông thường trong vòng vài ngày.
Mối liên hệ giữa vi khuẩn và tâm trạng được gọi là gut-brain axis hay trục ruột-não.
Sau nghiên cứu ban đầu này, một nghiên cứu khác do hai nhà khoa học John Cryan và Ted Dinan thuộc Đại học Cork đã chỉ ra, vi khuẩn Lactobacillus rhamnosus có tác dụng chống lo âu ở chuột. Những con chuột có vi khuẩn tốt trong đường ruột có biểu hiện luôn thoải mái và thư giãn hơn những con chuột khác.
Vi khuẩn đường ruột tốt khiến ta có cảm giác thoải mái hơn.
Tuy nhiên để liên kết những phát hiện trên với con người, Cryan và Dinan đã cấy ghép vi sinh vật từ phân của một người bị trầm cảm. Những con chuột được cấy ghép vi sinh vật này đã phát triển các triệu chứng giống như trầm cảm. Điều này một lần nữa minh chứng rằng, trục ruột-não được phát hiện trên chuột cũng có mối liên hệ nhất định đối với cơ thể người.
Mặc dù vậy các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa thể làm rõ cách thức hoạt động của trục ruột-não. Do hàng rào máu não ngăn cản các tế bào và các phân tử xâm nhập vào não, làm thế nào để các chất dẫn truyền thần kinh được tạo ra từ vi khuẩn, bao gồm dopamine và serotonin có thể ảnh hưởng đến não bộ.
Năm 2017, các nhà khoa học đã phát hiện ra một nhóm tế bào đặc biệt trong niêm mạc ruột, giúp phát hiện các chất dẫn truyền thần kinh do vi khuẩn sản sinh ra và tạo xung nhịp trong dây thần kinh phế vị, kết nối ruột vào não bộ. Hơn nữa đã có nhiều bằng chứng cho thấy, vi khuẩn đường ruột và các phân tử của chúng thực sự có thể điều chỉnh tính toàn vẹn của hàng rào máu não và thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ con người trong 3 năm đầu đời.
Do đó, lượng vi khuẩn đường ruột của con người thực sự có thể ảnh hưởng đến cách xử lý cảm xúc của mỗi người. Trong một nghiên cứu vào năm 2017 khác của Đại học California đã kết luận, việc uống men vi sinh giúp cải thiện quá trình xử lý cảm xúc và thậm chí có thể hạn chế một số triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
Lượng vi khuẩn đường ruột của con người thực sự có thể ảnh hưởng đến cách xử lý cảm xúc của mỗi người.
Trường nhóm nghiên cứu Kirsten Tillisch khẳng định, nghiên cứu này cho thấy mối quan hệ giữa vi khuẩn và tâm trạng chứ không phả là mối quan hệ nhân-quả.
Như vậy có thể tâm trạng đang ảnh hưởng đến các vi khuẩn chứ không phải theo cách hiểu khác.
Để tìm ra phương pháp điều trị sức khỏe tâm thần dựa vào các chế phẩm sinh học, các nhà nghiên cứu sẽ phải tiếp tục tìm hiểu thêm xem vi khuẩn nào thực sự cư trú trong ruột. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã phải tạo ra một kỹ thuật vi sinh mới. Kỹ thuật có tên "whole-genome shotgun sequencing" giúp họ có thể xác định vị trí các loài và phân loài bằng cách phân tích gene trong một mẫu lấy từ môi trường.
Nhóm nghiên cứu tại KU Leuven, Bỉ đã sử dụng phương pháp này để theo dõi tất cả các vi khuẩn trong ruột của hơn 1 ngàn người. Bằng cách đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy, những người được chuẩn đoán mắc chứng trầm cảm có lượng vi khuẩn Coprococcus và Dialister trong ruột giảm mạnh.
Các nhà khoa học kỳ vọng, phương pháp mới này sẽ đem tới một cách nhìn mới về sức khỏe não bộ.
- Vi khuẩn đường ruột này có thể là nguyên nhân khiến bạn khó giảm cân
- Vi khuẩn đường ruột ở loài lửng rừng có khả năng ngừa bệnh lao