Vì sao bệnh nhân ung thư cổ tử cung dễ bị tái phát?
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, 1/3 bệnh nhân đối mặt nguy cơ tái phát.
Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm với phụ nữ nhưng có thể chữa khỏi. Năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung. Hơn 2.400 người tử vong vì bệnh này. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), ung thư cổ tử cung thường ảnh hưởng phụ nữ đã quan hệ tình dục ở độ tuổi từ 30 đến 45. Bệnh có thể tái phát, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân.
Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung
Theo Mayo Clinic, ung thư cổ tử cung xuất hiện khi các tế bào khỏe mạnh trong cơ quan này có đột biến ở DNA. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và nhân lên với tốc độ nhất định, sau đó, chúng tự chết đi.
Những đột biến khiến các tế bào phát triển vượt tầm kiểm soát và không thể tự hủy. Tế bào ung thư xâm lấn các mô lân cận và vỡ ra khỏi khối u, di căn đến những cơ quan khác trong cơ thể.
Ung thư cổ tử cung chia thành 4 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn I, tế bào ung thư chỉ phát triển trong tử cung, chưa lan ra ngoài. Giai đoạn II của bệnh hình thành khi các khối u đã “ăn” ra ngoài cổ tử cung nhưng chưa đến khung chậu hoặc phần dưới âm đạo. Trong giai đoạn này, bệnh chưa di căn đến các hạch bạch huyết hoặc vị trí xa.
Nếu tế bào ung thư lan đến phần dưới của âm đạo hoặc khung chậu, bệnh nhân đã ở giai đoạn III. Khi đó, tế bào ung thư chưa lan đến các vị trí xa. Cuối cùng, ở giai đoạn IV, bệnh đã di căn sang các cơ quan lân cận hoặc bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. (Ảnh: Freepik).
Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung vẫn chưa có kết luận. Dấu hiệu đầu tiên của người mắc ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường. Nó gây hiện tượng xuất huyết trong hoặc sau khi quan hệ, giữa các kỳ kinh hoặc ở độ tuổi mãn kinh.
Ngoài ra, người mắc ung thư cổ tử cung còn gặp tình trạng đau rát, khó chịu khi quan hệ, tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi. Vùng lưng dưới, xương chậu đau.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung còn có thể gặp dấu hiệu: Đau tức lưng dưới, xương chậu và thận dữ dội; táo bón; không kiểm soát được tiểu hoặc đại tiện; tiểu ra máu; sưng phù chân…
Hiện nay, ung thư cổ tử cung được chia làm 2 loại chính là ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến.
Trong đó, loại đầu tiên sẽ khởi phát khối u ở tế bào vảy lót bên ngoài của tử cung, sau đó tiến sâu vào âm đạo. Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung là loại này. Ung thư biểu mô tuyến ít gặp hơn. Nó khởi phát từ tế bào tuyến hình cột nằm trong ống cổ tử cung.
Nữ giới nên tầm soát ung thư để phát hiện bệnh sớm. (Ảnh: Freepik).
Gần 35% bệnh nhân có nguy cơ tái phát ung thư
Theo Cancer Treatment Centers of America, triệu chứng tái phát ung thư cổ tử cung có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị. Tổ chức này ước tính, thế giới có gần 35% trường hợp bị tái phát ung thư cổ tử cung hoặc mắc bệnh dai dẳng. Hầu hết ca tái phát đều xảy ra trong vòng 2 năm sau khi điều trị.
Ung thư cổ tử cung và nhiều loại khác có thể tái phát do các vùng nhỏ của tế bào ác tính vẫn còn sót trong cơ thể sau khi điều trị. Theo thời gian, những tế bào này có thể nhân lên và phát triển gây các triệu chứng. Ung thư tái phát khi nào và ở đâu phụ thuộc từng loại bệnh. Bệnh có 3 loại tái phát phổ biến. Đó là tái phát cục bộ, khu vực và tái phát xa.
Các khối u ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả khung chậu, khoang bụng hoặc phổi, gan, xương. Theo Trung tâm Ung thư Cổ tử cung của Đại học Columbia, Mỹ, các vị trí tái phát phổ biến nhất là vòng bít âm đạo, khung chậu, hạch cạnh động mạch chủ, phổi và hạch thượng đòn.
Các triệu chứng tái phát ung thư cổ tử cung ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Với trường hợp tái phát tại chỗ, bệnh nhân bị chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ tình dục hoặc thời kỳ mãn kinh.
Âm đạo cũng tiết dịch bất thường như nước, màu hồng, có mùi hôi. Cùng đó, người bệnh bị đau vùng chậu khi làm “chuyện ấy”, rò rỉ nước tiểu từ âm đạo.
Nếu tái phát ung thư thể đã di căn, bệnh nhân có các dấu hiệu như: giảm cân, mệt mỏi, đau lưng, đau hoặc sưng chân, nhức xương…
Hơn 35% bệnh nhân có nguy cơ tái phát ung thư cổ tử cung. (Ảnh: Mayo Clinic).
Trung tâm Ung thư Cổ tử cung của Đại học Columbia tiên lượng thời gian sống trung bình sau tái phát của bệnh nhân thường là 10-12 tháng. Nguy cơ tái phát liên quan tình trạng hạch bạch huyết, kích thước khối u và mức độ xâm lấn của nó tới các bộ phận khác.
Tổ chức này ước tính người mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có 20% khả năng tái phát. Giai đoạn càng nặng, khả năng tái phát càng cao, lên đến 75%. Do đó, sau khi điều trị hoặc được chẩn đoán, bệnh nhân nên tái khám và theo dõi ít nhất 5 năm.
Tương tự như lần phát hiện đầu, ung thư cổ tử cung khi tái phát sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật triệt căn, hóa trị, xạ trị. Tùy vào giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ đưa phác đồ điều trị phù hợp.
Trong đó, phẫu thuật là phương pháp phổ biến trong giai đoạn sớm. Cách này sẽ khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt toàn bộ cơ quan này để loại bỏ các khối u, tế bào ác tính.
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nên yếu tố then chốt là chúng ta phát hiện bệnh sớm. Theo tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, ung thư cổ tử cung cũng như những bệnh hiểm nghèo khác không có cách ngăn ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng ta có cách để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức trên khuyến cáo phụ nữ nên kiểm tra cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm các bất thường của tế bào trong cơ quan này.
- Phát hiện hài cốt 5.000 năm tuổi của quý bà Bietikow bị hỏng răng
- Những mẹo trong quân đội thực sự hữu ích trong đời thường
- Top 15 biểu tượng may mắn đại diện cho các quốc gia từ khắp thế giới