Vì sao biến thể Delta lây lan nhanh?

Biến thể Delta nhân lên nhanh chóng trong tế bào, người nhiễm có thời gian ủ bệnh ngắn, virus tập trung ở đường hô hấp trên nên dễ phát tán ra môi trường.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới gia tăng đáng báo động. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở biến thể Delta dễ lây nhiễm.Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể lan nhanh hơn khoảng 55% so với chủng Alpha, lần đầu xuất hiện ở Anh hồi cuối năm ngoái.

Biến thể Delta được tìm thấy ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Nó nhanh chóng trở thành chủng trội, áp đảo hệ thống y tế của nước này và sớm lan sang Anh. Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Brown, cho biết: "Đây là phiên bản dễ lây nhiễm nhất của virus kể từ đầu đại dịch".

Ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận hồi tháng 3. Đến đầu tháng 7, biến thể chiếm hơn 50% số trường hợp dương tính tại nước này. Đến nay, con số đã lên đến 83%, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Theo dữ liệu từ Đại học Đại học Johns Hopkins, số ca mắc mới theo ngày trong tuần này tăng 55% so với tuần trước. Số người nhập viện trong 14 ngày qua tăng 52%.

Kể từ tháng 3 năm nay, các nhà khoa học nỗ lực tìm ra lý do khiến Delta lây lan nhanh chóng.

Một nghiên cứu cho thấy biến thể tạo ra nhiều bản sao virus hơn trong thời gian ngắn khi tồn tại ở tế bào. Công trình được đăng tải trên trang web Virological vào tháng 7. Các nhà khoa học Trung Quốc đã so sánh hàng chục ca nhiễm Delta với chủng nCoV từ đầu dịch. Họ phát hiện bệnh nhân có lượng virus cao gấp 1.260 lần.

"Rất nhiều virus tồn tại trong cơ thể. Lượng virus nhân lên nhanh với thời gian ngắn hơn, 5 phút, 7 phút. Bạn sẽ mắc bệnh dù đứng cách nguồn lây tới 1,8m", tiến sĩ Jha giải thích. "Những người chưa tiêm chủng lây bệnh với thời gian tiếp xúc ngắn hơn rất nhiều", bà nói.


Một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện St.Petersburg, Nga, ngày 14/7. (Ảnh: AFP)

Thời gian ủ bệnh ở người nhiễm biến thể Delta ngắn hơn. Các triệu chứng sẽ biểu hiện sau 4 ngày, thay vì 6 ngày như chủng virus ban đầu.

Các nhà nghiên cứu cũng đo mức độ phát tán virus của 62 người trong đợt bùng phát ở Quảng Châu, Trung Quốc từ ngày 21/5 đến ngày 18/6 và so sánh với 63 bệnh nhân năm 2020. Họ phát hiện người nhiễm biến thể Delta làm lây lan virus sớm. Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cách ly ngay lập tức các ca dương tính.

Bên cạnh đó, theo giáo sư David Wohl, chuyên khoa truyền nhiễm, Đại học Y North Carolina, biến thể Delta tập trung nhiều ở đường hô hấp trên như mũi, họng. Khi ho, hắt hơi, bệnh nhân phát tán lượng lớn hạt virus ra không khí.

Tỷ lệ người trẻ nhiễm biến thể trong đợt bùng phát toàn cầu mới cũng cao hơn. Đây là nhóm dân số hay di chuyển, gặp gỡ nhiều người nhưng phần đông chưa tiêm chủng.

Giáo sư Wohl nhận định thanh thiếu niên có mô hình triệu chứng khác với người cao tuổi. Ông cho rằng tốc độ lây lan của biến thể còn phụ thuộc vào nhóm cộng đồng nó đang lưu hành, chứ không chỉ ở bản thân virus.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature ngày 8/7 cho thấy Delta tránh được một số kháng thể nhắm vào từng bộ phận, ít nhạy cảm với kháng thể tự nhiên hơn rất nhiều so với Alpha.

Ở những người đã tiêm một liều vaccine, chỉ 10% có kháng thể vô hiệu hoá được Delta và Beta (lần đầu xuất hiện ở Nam Phi). Sau khi tiêm liều thứ hai, con số tăng lên 95%.

Tuyên bố này tương đồng với dữ liệu từ thử nghiệm của Israel và Anh. Theo nghiên cứu mới, biến thể Delta cũng không phản ứng với bamlanivimab, kháng thể đơn dòng do hãng được Eli Lilly điều chế. Song ba kháng thể đơn dòng khác từ hãng vẫn hiệu quả.

Các loại vaccine hiện nay được công nhận về hiệu quả với biến thể Delta. Người đã nhận hai liều hiếm khi chuyển nặng. Song phần đông dân số thế giới chưa được tiêm chủng đầy đủ. Chỉ hơn 25% đã tiêm hai liều vaccine, trong đó 13% tiêm chủng đầy đủ, theo Our World in Data.

"Nếu chưa tiêm chủng, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh. Bạn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, tránh tụ tập trong nhà và giữ khoảng cách an toàn", Vivek Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ, nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất