Vì sao chúng ta lại nhắm mắt khi ngủ - câu hỏi tưởng đơn giản mà giới khoa học cũng "vò đầu bứt tóc"
Có người nhắm mắt khi ngủ, có người lại ngủ nhưng vẫn mở mắt, mắt nhắm hờ... câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ.
Hầu hết mọi người trong chúng ta nhắm mắt khi ngủ. Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao lại thế chưa? Đó là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào cả.
Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể lý giải 1 cách cặn kẽ nguyên nhân chính vì sao chúng ta lại nhắm mắt khi ngủ cả.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định việc nhắm mắt sẽ giúp ta có được giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Và đây là một vài dẫn chứng mà các chuyên gia đưa ra để lý giải cho điều này.
Theo các chuyên gia, nhắm mắt khi ngủ sẽ giúp chúng ta ngăn chặn được những điều kiện ngoại cảnh kích thích thị giác như ánh sáng, bụi bẩn - yếu tố có thể gây hại cho mắt.
Không những thế, nếu không đóng "cửa sổ tâm hồn" lại mà để "mở" suốt cả đêm, mắt sẽ mất đi độ ẩm lớn, dễ bị khô, gây hại cho mắt.
Ngoài ra, giới khoa học cho rằng, việc nhắm mắt khi ngủ giống như ta "bật - tắt" công tắc cơ thể, báo hiệu cơ thể tiết ra hormone melatonin gây buồn ngủ.
Melatonin được tổng hợp tại tuyến tùng của não, đóng vai trò chính điều hành chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể.
Tại tuyến tùng, melatonin nhận thông tin từ võng mạc qua mô hình về ánh sáng, bóng tối - để điều chỉnh chu kỳ sinh hoạt trong suốt 24 giờ.
Thế nên việc nhắm mắt lại - để mắt không tiếp nhận lượng ánh sáng lớn nữa sẽ đẩy nhanh tốc độ của quá trình này, giúp ta dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Tuy nhiên lại cũng có trường hợp được ghi nhận là ngủ mà mở mắt. Đây không đơn thuần là 1 hiện tượng lạ trong giấc ngủ mà còn là bệnh lý - nên trạng thái này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến mắt, giảm thị lực...
Theo các chuyên gia, trường hợp ngủ không nhắm mắt có khá nhiều nguyên nhân như liệt dây thần kinh vận động nhắm mở mắt, cơ mặt bị tổn thương, hoặc do ảnh hưởng chấn thương sọ não, teo hay liệt vận động cơ mặt, hoặc do di truyền...
Một vài trường hợp khác lại ngủ với đôi mắt nhắm hờ. Đây là 1 dạng rối loạn giấc ngủ có tên gọi là Nocturnal Lagophthalmos - khiến người ngủ không thể đóng hoàn toàn mí mắt. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do gặp vấn đề dây thần kinh cơ mặt, hoặc do chứng rối loạn da...
Nên nếu mắc phải trường hợp này, các bạn nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.