Vì sao dơi nhiễm nhiều virus nguy hiểm như Corona nhưng không chết?

Loài dơi bị nhiễm nhiều loại virus nguy hiểm như bệnh dại, SARS và Ebola. Tuy các virus này gây chết người ở các động vật có vú khác nhưng đối với dơi thì không. Trên thực tế, chúng có thể sống đến 30 năm một cách bình thường. Vậy điều gì đang bảo vệ chúng khỏi những căn bệnh nguy hiểm này?

Mối quan hệ giữa virus và vật chủ

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần hiểu mối quan hệ giữa virus và vật chủ của chúng. Mỗi loại virus đã phát triển để lây nhiễm cho các loài cụ thể. Đây là lý do tại sao con người không có khả năng bị nhiễm virus thực vật và tại sao ong không bị cúm. Tuy nhiên, virus đôi khi tiến hóa và lây nhiễm sang các lời mới có liên quan đến nhau. Và bởi vì hệ miễn dịch của loài mới chưa có kháng thể đặc trị để chống lại virus nên có thể khiến vật chủ tử vong.


Mỗi loại virus đã phát triển để lây nhiễm cho các loài cụ thể.

Đây thực sự là một tin xấu đối với virus. Một vật chủ lý tưởng mà virus nhắm đến là có nguồn tài nguyên ổn định để virus có thể phát triển và tiếp tục lây nhiễm, chỉ có vật chủ sống mới đáp ứng được hai tiêu chí này. Do đó, những virus thành công thường không tiến hóa để giết chết vật chủ của chúng.

Những tác động chết người của những virus này thường không phải do mầm bệnh trực tiếp gây ra mà là do phản ứng miễn dịch không kiểm soát được của vật chủ. Các bệnh nhiễm trùng như Ebola hoặc một số loại cúm khiến hệ thống miễn dịch của vật chủ quá tải. Cơ thể gửi các tế bào bạch cầu, kháng thể và các phân tử gây viêm để tiêu diệt kẻ xâm lược bên ngoài. Nhưng nếu tình trạng viêm ở mức quá cao, hệ thống miễn dịch bị tấn công có thể dẫn đến tổn thương mô nghiêm trọng, dẫn đến nhiễm trùng và tử vong.


Tác động chết người của virus là do phản ứng miễn dịch không kiểm soát được của vật chủ.

Vì sao loài dơi nhiễm virus nguy hiểm nhưng không chết?

Không giống như các loài động vật có vú khác, dơi đã tham gia một cuộc chạy đua vũ trang tiến hóa với những loại virus này trong nhiều thiên niên kỷ và chúng đã thích nghi để giảm thiểu cơ chế tự tổn thương. Hệ thống miễn dịch của chúng có phản ứng viêm rất thấp, đây là một sự thích nghi tuyệt vời.

Quá trình tiến hóa đã làm đã mất một số gene liên quan đến cơ chế triển khai các phân tử gây viêm ở dơi. Kết quả là phản ứng viêm ở mức độ thấp được kiểm soát cho phép dơi cùng tồn tại với virus. Phản ứng thấp không đồng nghĩa với việc dơi mất đi hệ thống miễn dịch, đây là cơ chế phản ứng miễn dịch hiệu quả chứ không phản ứng quá mức dẫn đến tự hủy hoại cơ thể. Ấn tượng hơn nữa, loài dơi có thể lưu giữ những loại virus này trong nhiều thập kỷ mà không có bất kỳ hậu quả tiêu cực nào về sức khỏe.


Dơi cũng phát triển hệ thống sửa chữa các DNA bị hư hỏng một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, dơi cũng phát triển hệ thống sửa chữa các DNA bị hư hỏng một cách hiệu quả, điều này cũng góp phần làm tăng tuổi thọ của chúng. Một số loài dơi có tuổi thọ lên đến 40 năm. Tất nhiên, dơi không hoàn toàn bất khả chiến bại với bệnh tật. Các quần thể dơi đã bị tàn phá bởi một bệnh nhiễm nấm có tên là hội chứng mũi trắng, có thể làm gián đoạn quá trình ngủ đông và làm hư hại mô cánh.

Lợi ích của loài dơi với môi trường sống

Tuy có thể nói dơi là một vật chủ chứa rất nhiều virus có thể gây hại cho con người nhưng lợi ích mà chúng mang lại cũng vô cùng đáng kể. Dơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như giúp thụ phấn và phát tán hạt giống, cũng như tiêu thụ sâu bệnh và côn trùng.

Do đó, để bảo vệ những loài động vật này khỏi bị tổn hại và tự bảo vệ con người khỏi các bệnh lây nhiễm nguy hiểm, chúng ta cần ngừng xâm phạm môi trường sống và hệ sinh thái của dơi.


Dơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như giúp thụ phấn và phát tán hạt giống.

Hy vọng rằng việc bảo tồn và không ngừng nghiên cứu những quần thể dơi sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hệ thống miễn dịch chống lại virus độc đáo của loài động vật này. Và có thể trong tương lai, nhân loại sẽ tìm ra một phương pháp miễn dịch virus mới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất