Vì sao giữa thời đại kỹ thuật số, Ấn Độ vẫn sử dụng chim bồ câu đưa thư?

Cảnh sát bang Odisha đang bảo tồn hơn 100 con chim bồ câu đưa thư Homer Bỉ.

Chim bồ câu đưa thư được bảo tồn

Trong thời đại của kỹ thuật số internet, hình thức liên lạc truyền thống như bưu thiếp và điện tín đã trở nên lỗi thời nhưng lực lượng cảnh sát ở bang Odisha, Ấn Độ đang nỗ lực duy trì một hình thức liên lạc thậm chí còn lâu đời hơn: Chim bồ câu đưa thư - như một phương thức liên lạc dự phòng trong các thảm họa.

Theo Reuters, phương thức này bắt nguồn từ thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa Anh. Các đồn cảnh sát sử dụng những con chim bồ câu để liên lạc với nhau. Ngày nay, đội chim bồ câu đưa thư của bang Odisha có hơn 100 con chim bồ câu Homer Bỉ.

Ông Satish Kumar Gajbhiye, Tổng thanh tra cảnh sát quận Cuttack cho biết: "Chúng tôi giữ những con chim bồ câu vì giá trị di sản của chúng và để bảo tồn chúng cho các thế hệ tương lai".

Nhà sử học Anil Dhir, thuộc Ủy ban Di sản Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Ấn Độ nói Odisha có "dịch vụ vận chuyển chim bồ câu duy nhất hiện có trên thế giới và là một ví dụ độc đáo về truyền thống cổ xưa đang được lưu giữ trong thời hiện đại".

Chim bồ câu đưa thư có khả năng định hướng bẩm sinh và tìm đường trở về nhà từ khoảng cách xa, có thể di chuyển hàng trăm dặm chỉ trong vài giờ.


Chim bồ câu đưa thư ở Ấn Độ. (Ảnh: Reuters).

Những con chim đáng tin cậy này đã trở thành một liên kết quan trọng giữa các đồn cảnh sát vùng sâu vùng xa khi liên lạc bị gián đoạn trong các thảm họa. Trên thực tế, trong trận lụt thảm khốc năm 1982, bồ câu đóng vai trò là đường dây liên lạc duy nhất đến thị trấn Banki.

Chim bồ câu cũng đóng một vai trò quan trọng trong siêu bão năm 1999 và các trận lũ lụt sau đó, khi mạng vô tuyến bị sập khiến hầu hết các đường dây liên lạc bị hỏng.

Có nguồn tin tiết lộ, những chú chim bồ câu thông minh đã hỗ trợ sở cảnh sát đánh lừa và bắt giữ nhiều tên tội phạm trên đường chạy trốn.

Chim bồ câu đưa thư không bao giờ thất bại

Những con chim bồ câu thường mang những thông điệp được viết trên giấy làm từ hành tây rất nhẹ, nhét vào một ống nhỏ rồi buộc vào chân.

Ông Dhir cho biết, phần lớn chim bồ câu Bỉ được chọn vì chúng có thể bay 25 km chỉ trong 15-25 phút và sống tới 20 năm. Theo Betterindia.com, những con chim bồ câu này cũng có thể bay xa tới 800 km với tốc độ 55 km/h, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Parshuram Nanda, người chăm sóc những con chim cho biết: "Chúng tôi bắt đầu huấn luyện chúng khi chúng được 5 đến 6 tuần tuổi.... Chúng được dạy để nhận ra các vị trí và thực hiện các loại dịch vụ khác nhau".

Khi lớn hơn, những con chim bồ câu được đưa ra một khoảng cách xa để thả bay tự do và tìm đường về nơi trú ẩn theo bản năng.

"Khoảng cách tăng dần và trong vòng 10 ngày, chúng có thể bay về từ khoảng cách 30km", Nanda nói.

Nhà sử học Anil Dhir, cho biết các nghiên cứu cho thấy chim bồ câu có thể phát hiện từ trường và nhìn thấy điểm đến của chúng từ cách xa hàng nghìn dặm.

Ông nói: "Ngay cả trong trường hợp khó có thể xảy ra là ngay ngày mai mọi phương thức liên lạc đều bị gián đoạn thì những chú chim bồ câu sẽ không bao giờ thất bại".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất