Vì sao Hà Nội chưa cách ly F0, F1 tại nhà?

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết thành phố "đất chật người đông", chưa cần thiết cách ly F0, F1 tại nhà, đảm bảo hiệu quả chống dịch.

"Hà Nội chỉ tính đến cách ly tại nhà khi số lượng người cách ly gia tăng quá cao. Bên cạnh đó, Hà Nội đặc thù đất chật người đông, không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà, vì vậy F0 nhẹ, không triệu chứng vẫn cần điều trị tập trung", bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), ngày 8/11 cho biết.


Một khu vực cách ly tập trung tại Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo báo cáo của Sở Y tế, Hà Nội có tổng cộng 42 cơ sở cách ly với 14.639 chỗ. Tính đến 2/11, thành phố đang cách ly tập trung 1.975 người tại 25 cơ sở, đều là F1 nhập cảnh từ vùng dịch. 4.568 F0 điều trị tại cơ sở y tế, trong đó 3.610 người đã ra viện, 618 chuyển viện.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, cho biết Hà Nội nên tính tới phương án cách ly tại nhà sớm, không nên kiên trì cách ly tập trung, rút kinh nghiệm các tỉnh có dịch bùng phát mạnh thời gian vừa qua. Nguyên nhân là thành phố liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới, số ca nhiễm gia tăng trong một tuần trở lại đây khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. F1 tăng nhiều khi số F0 cao dẫn tới cơ sở cách ly tập trung hết chỗ. Thêm vào đó, duy trì cách ly tập trung sẽ khiến các cơ sở bị quá tải, có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Còn cách ly F1 tại nhà giúp người bị cách ly đỡ tốn kém, người cách ly không bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Nhiều nhà dân tại Hà Nội đã đủ điều kiện, đủ cơ sở vật chất để cách ly tại nhà, hệ thống y tế cơ sở và chính quyền từ thôn, xóm, tổ dân phố đủ năng lực, có thể giám sát, theo dõi người cách ly.

Trước số ca nhiễm tăng cao, Hà Nội đã thành lập 14 trạm y tế lưu động để ứng phó. Theo ông Tuấn, các trạm y tế lưu động này được định hướng sẽ quản lý, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà trong thời gian tới. Tuy nhiên, thành phố chưa đưa ra mốc thời gian dự kiến hoạt động trạm y tế lưu động. 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án, quận Ba Đình diễn tập mô hình này tại phường Giảng Võ.

Cộng dồn số mắc trong đợt dịch 4 từ 27/4, Hà Nội ghi nhận 5.104 ca, trong đó 2.017 ca cộng đồng, 3.087 ca tại khu cách ly, phong tỏa. Tính từ 23/10, toàn thành phố có 12 ổ dịch diễn biến phức tạp, trong đó ổ dịch tại Bạch Trữ, Tiến Thắng và Sài Sơn, Quốc Oai có số nhiễm cao nhất, lần lượt là 176 và 150.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất