Vì sao hơn 60 trận động đất ở Tây Nguyên dù hồ chứa đang mùa cạn?
Tây Nguyên đang trong mùa cạn, mực nước các hồ chứa thuỷ điện không cao nhưng trong bốn ngày qua, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ghi nhận hơn 60 trận động đất. Các chuyên gia lý giải về nguyên nhân của vấn đề này.
Trong bốn ngày (từ 28-31/7) có 63 trận động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 5.0, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung. Một số thiệt hại đã được ghi nhận. Trong sáng 1/8 khu vực này cũng ghi nhận thêm một trận động đất có độ lớn 3.3 độ.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thuỷ điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Vậy tại sao hồ chứa đang mùa cạn lại xảy ra động đất liên tiếp? TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, động đất kích thích không xảy ra ngay sau khi tích nước mà có độ trễ, cần thời gian để nước ngấm xuống, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm mới xảy ra.
Trận động đất trưa 28/7 gây một số thiệt hại tại khu vực tâm chấn.
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm, thời gian gây ra động đất kích thích sau hoạt động tích nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô hồ chứa, lượng nước tích trữ và quá trình tích trữ, cần có các nghiên cứu cụ thể hơn đánh giá sự tác động này.
Động đất kích thích ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra dồn dập từ tháng 4/2021 sau khi thuỷ điện Thượng Kon Tum tích nước. Hơn ba năm qua, khu vực này ghi nhận hàng trăm trận động đất, gấp nhiều lần so với số trận động đất xảy ra trong hơn một thế kỷ trước đó.
Phần lớn các trận động đất ở Kon Tum yếu, ít khả năng gây thiệt hại. Tuy nhiên, trận động đất vào cuối tháng 8/2022 mạnh 4.7 và trận động đất trưa ngày 28/7 mạnh 5.0 có khả năng gây thiệt hại ở khu vực tâm chấn.
TS Xuân Anh lưu ý, động đất có thể gây ra nứt đất; gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi, có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước.
Ông lấy ví dụ trận động đất Cao Bằng 2019 có độ lớn 5.4 đã làm dòng suối ở khu vực xã Đàm Thủy bị mất nước, mó nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng hay trận động đất Mộc Châu năm 2020 có độ lớn 5.3 đã làm xã Nà Mường xuất hiện hiện tượng nước phụt ra từ lòng đất.