Vì sao không nên gọi nước uống đóng chai là nước suối?

Nhiều người tiêu dùng cho rằng tất cả nước uống đóng chai trên thị trường đều như nhau, gọi chung là “nước suối” hay “nước lọc”. Tuy nhiên, đây là cách gọi không chính xác.

Tùy mỗi vùng miền, “nước suối” hay “nước lọc” thường được dùng để gọi chung cho các dòng nước đóng chai. Chúng được sử dụng phổ biến không chỉ bởi người tiêu dùng mà cả người bán tại cửa hàng tạp hóa hay trong nhà hàng khách sạn.

Nhầm lẫn này chủ yếu xuất phát từ việc hầu hết người mua lẫn người bán đều không phân biệt được các loại nước đóng chai, thường chỉ dựa trên sự khác biệt của vị nước hay giá bán.

Hiện nay, thị trường nước uống đóng chai sản xuất tại Việt Nam khá đa dạng. Tuy nhiên, dựa trên quy chuẩn của Bộ Y tế, chúng được phân chia thành 2 loại: Nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai. Vì thế, nếu dùng “nước suối” hay “nước lọc” để gọi tên các sản phẩm này, vô tình đánh đồng giá trị của cả hai loại nước.

Hai loại nước phải đảm bảo chỉ tiêu về vi sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hoàn toàn khác nhau về tên gọi, nguồn gốc, quy trình sản xuất và thành phần (giá trị dinh dưỡng). Người dùng tinh ý có thể nhận biết các loại nước này qua mùi vị.


Công nghệ xử lý nước nhân tạo cho ra đời loại nước chỉ có thành phần là H2O.

Trong đó, nước khoáng thiên nhiên có sự khác biệt nhờ được tạo nên bởi thiên nhiên. Nước khoáng thiên nhiên lần đầu tiên được khai thác và sử dụng cho mục đích thương mại tại châu Âu vào thế kỷ 16, chỉ dành riêng cho gia đình hoàng gia, giới lãnh đạo… vì khó khai thác và có quy chuẩn đóng chai khắt khe. Loại nước này hiện nay phổ biến hơn và được người dân tại đây ưa chuộng.

Nước uống đóng chai (thường được gọi là “nước tinh khiết”) ra đời từ thập niên 1960, khi các công nghệ nhân tạo như trao đổi ion hay phương pháp xử lý nước thẩm thấu ngược qua màng lọc (RO) bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm tạo ra nguồn nước sạch để đáp ứng nhu cầu của dân số không ngừng gia tăng.

Các công ty thường sử dụng nước từ bất kỳ nguồn nào như nước máy, nước giếng và nước sông để sản xuất nước uống đóng chai.

Ngày nay, công nghệ hiện đại giúp việc sản xuất nước uống đóng chai trở nên đơn giản hơn. Nước được đưa vào thiết bị lọc tạp chất, khử mùi và vi khuẩn, sau đó được đóng chai. Hiện nay, việc sản xuất trải qua khá nhiều công đoạn xử lý bao gồm lọc thô, lọc bằng màng vi lọc, lọc RO, khử trùng bằng tia UV và ozone.

Với phương pháp lọc RO, dù đến từ nguồn nào, nước sau khi lọc cũng sẽ như nhau. Phương pháp này có ưu điểm loại bỏ hoàn toàn tạp chất, nhưng lại làm mất khoáng chất trong nước. Cách nhận biết rõ nhất là nước sau khi lọc có chỉ số tổng chất rắn hòa tan (TDS) khoảng 1-10 mg/l, gần giống với nước cất và hoàn toàn không có vị.

Trong khi đó, nước khoáng thiên nhiên là nguồn nước tích tụ sâu trong lòng đất, lắng đọng cùng thời gian qua nhiều địa tầng và giàu khoáng chất, rất khó khăn và kỳ công để tìm được. Ngoài ra, nguồn nước này phải được Hội đồng Khoáng sản Quốc gia công nhận được phép dùng để sản xuất nước khoáng thiên nhiên. Các công ty khai thác phải ký quỹ và đóng thuế tài nguyên.


Các công đoạn xử lý nước chặt chẽ, không được sử dụng hóa chất, nhằm giữ nguyên hàm lượng chất khoáng tự nhiên có sẵn trong nước.

Quy trình sản xuất nước khoáng phức tạp hơn, tuân theo quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành. Nước khoáng thiên nhiên phải được khai thác trong điều kiện đảm bảo độ sạch ban đầu về vi sinh vật và các thành phần đặc trưng của nước. Đồng thời, nước phải được đóng chai tại nguồn với hệ thống đường dẫn khép kín.

Nhờ đó, đây không chỉ là nguồn giải khát mà còn hỗ trợ bổ sung các khoáng chất thiết yếu. Nước khoáng thiên nhiên có TDS 500 mg/l được xem là nước khoáng nhẹ, phù hợp để uống hàng ngày. Tùy thành phần khoáng chất, nước khoáng thiên nhiên sẽ có vị ngọt thanh hay lợ nhẹ.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nguồn nước trong tự nhiên (nước ngầm, sông, suối...) không chỉ có H20 mà luôn chứa khoáng chất và chất hữu cơ. Tùy vào đặc điểm địa lý của mỗi vùng, nguồn nước có hàm lượng và loại khoáng khác nhau, với TDS từ dưới 30 mg/l đến 6.000 mg/l.

Nguồn nước được đánh giá chất lượng tốt nếu TDS khoảng hàng trăm mg/l. Trong suốt hàng nghìn năm, đây chính là loại nước mà con người sử dụng cho mục đích giải khát.

Thực tế, cơ thể chúng ta cần nhiều loại khoáng chất để duy trì sự khỏe mạnh và dẻo dai. Vì thế, ngoài công dụng giải khát, nước uống hàng ngày nên là nguồn hỗ trợ bổ sung khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Các khoáng chất tự nhiên trong nước tồn tại dưới dạng ion nên hệ tiêu hóa dễ hấp thu. Vì thế, nước khoáng thiên nhiên được khuyến nghị là nguồn quan trọng để giải khát và bổ sung khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất