Vì sao không thi thể nào được tìm thấy trên con tàu Titanic huyền thoại?
Nguyên nhân nào khiến cho thi thể các hành khách trên tàu Titanic mãi mãi không thể trục vớt?
Vào năm 1912, con tàu RMS Titanic được xem là con tàu sang trọng nhất thời điểm bấy giờ. Hành trình đầu tiên của nó dự kiến sẽ chở khoảng 2.200 hành khách cùng đội thủy thủ, nhân viên xuất phát từ cảng Southampton (Anh) tới New York (Mỹ).
Con tàu Titanic chở hơn 2.200 người gặp phải thảm họa chìm tàu khủng khiếp.
Tuy nhiên, vào ngày 15/4, khi con tàu đang nằm cách đảo Newfoundland (Canada) chừng 600km, nó đã gặp phải một thảm họa khủng khiếp khi đâm phải tảng băng chìm ở Bắc Đại Tây Dương. Tai nạn này khiến cho khoảng 1.500 hành khách thiệt mạng.
Trong số 1.500 người thiệt mạng này có khoảng 340 thi thể mặc áo phao trên người đã được trục vớt lên khỏi mặt nước. Tuy nhiên, khoảng 1.160 thi thể còn lại vẫn chìm dưới đáy biển, chưa được tìm thấy và sẽ không bao giờ được nhìn thấy, mặc cho nhiều đồ vật thuộc về họ trên con tàu đã được trục vớt và trưng bày trong bảo tàng từ rất lâu.
Điều gì đã xảy ra với thi thể những hành khách?
Có một sự thật về con tàu Titanic khiến cho không ít người bất ngờ đó chính là dù bị chìm vào năm 1912 nhưng phải đến tận hơn 73 năm sau, xác của con tàu này mới được tìm thấy dưới đáy đại dương.
Theo RMS Titanic Inc, công ty nắm quyền sở hữu đối với xác tàu Titanic, trong 111 năm sau thảm họa, các cuộc thám hiểm đến Titanic đã không tìm thấy bất kỳ hài cốt người nào dù đồ vật như quần áo, giày dép, đồng hồ của các nạn nhân đều được phát hiện.
Nhiều đồ vật của các hành khách được tìm thấy gần xác tàu Titanic.
James Cameron, đạo diễn bộ phim bom tấn Titanic (1997), người đã thực hiện hơn 30 lần lặn xuống Titanic, chia sẻ với New York Time rằng: "Chúng tôi đã nhìn thấy quần áo, chúng tôi đã thấy giày. Điều này cho thấy rằng chắc chắn rằng có một thi thể đã từng ở đó nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu hài cốt nào".
Giải thích cho việc những thi thể "biến mất không dấu vết" này, người ta cho rằng ở độ sâu gần 4.000 mét dưới đại dương, các thi thể sẽ dễ bị phân hủy hoặc bị sinh vật biển ăn mòn.
Các sinh vật thích nghi với hệ sinh thái dưới nước độc đáo này sẽ ăn da và mô của con người nhưng còn xương, thứ có thể tồn tại hàng ngàn năm thì sao?
Giáo sư John Cassella, nhà khoa học pháp y tại Đại học Công nghệ Atlantic Sligo ở Ireland, cho biết xương bị thoái hóa nhanh chóng trong nước mặn: "Xương được làm từ một loại khoáng chất có tên là hydroxyapatite, chủ yếu được tạo thành từ canxi và phốt phát nhưng có rất nhiều phân tử nhỏ hơn khác. Nước sẽ hỗ trợ hòa tan khoáng chất xương này" - ông cho biết.
Cả con tàu Titanic và các nạn nhân xấu số đều bị hòa tan với đại dương sâu thẳm.
Giáo sư Cassella cũng nhận định rằng, có khả năng xương người vẫn còn tồn tại trong đống đổ nát sau 111 năm chìm dưới đáy biển nhưng điều này còn phụ thuộc vào nồng độ muối, độ pH của nước và tác động của vi sinh vật.
"Có thể còn nhiều xương nhưng chúng phân tán rộng rãi trong và xung quanh xác tàu. Bên cạnh đó, việc bị bao phủ bởi phù sa cũng sẽ khiến nó khó được phát hiện hơn" - Giáo sư nhận định.
Với những nhận định này, có thể phần nào hiểu được rằng, giống như số phận của Titanic, hơn 1.000 hành khách cũng đã bị hòa tan vào với đại dương. Cho dù là tàn dư của họ có ở trong xác con tàu hay không, việc tìm kiếm tàn tích của con người nơi xác tàu Titanic có thể sẽ làm xáo trộn các phần của xác tàu và điều này hoàn toàn bị cấm.
- Vì sao xác tàu Titanic vẫn chưa được trục vớt sau 111 năm?
- Xác tàu Titanic dưới đáy biển đang dần biến mất
- Những bức ảnh quý giá về thảm kịch Titanic