Vì sao một số người luôn có xu hướng tích cực hơn những người khác?
Một số chất hóa học trong não, có thể ảnh hưởng đến động lực của con người, giúp họ hoạt động tích cực hơn và có thể giúp tăng sức khỏe tâm lý. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ra tác dụng phụ nếu số lượng hoặc cân bằng của chúng bị thay đổi.
Động lực chính là nguồn năng lượng thần kỳ giúp cho con người hoàn thành một việc gì đó hay thay đổi hành vi của mình, nhưng vì sao một số người lại thấy hăng hái hơn, hoạt động tích cực hơn những người khác?
Động lực của mỗi cá nhân cũng như những lý do đằng sau động lực đó cũng giống như vân tay của mỗi người, không ai giống ai, nhưng có một số cơ chế hóa học trong não có thể tác động, làm cho người ta thấy hứng khởi hơn cũng như tìm thấy cảm hứng mỗi ngày khác nhau.
Cái gì làm cho người ta hứng khởi?
Giáo sư Robert West, chuyên gia tâm lý học về khoa học và sức khỏe hành vi, ở Trường đại học London, England, Anh, cho biết mỗi người lại tìm thấy cảm hứng ở các lĩnh vực khác nhau.
Ông nói rằng: "có rất nhiều thứ khích lệ chúng ta, từ những trải nghiệm thực tế (như là sự hài lòng, thoải mái, phấn khích hay đói bụng) cho đến những mong muốn vô hình hơn như là mục đích hay sự kiểm soát. Các động lực mang tính xã hội bao gồm tình yêu thương, quyền lực và sự công nhận. Mỗi người lại thấy những thứ này có tầm quan trọng khác nhau và vì thế ưu tiên mỗi thứ khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc đời."
Chất endorphins và dopamine đóng vai trò trong các trải nghiệm về mong muốn và hình thành hành vi.
Các chất dẫn truyền thần kinh có thể là nguyên nhân khiến mỗi người có động lực khác nhau. Một nghiên cứu vào năm 2012 được công bố trên Tạp chí khoa học Thần kinh đã tiến hành thí nghiệm cho một nhóm người chơi một trò chơi toán học ở các mức độ khó khác nhau với phần thưởng bằng tiền.
Não của những người thích chơi ở mức độ khó hơn giải phóng ra nhiều chất dẫn truyền thần kinh dopamine hơn ở nhưng vùng não liên quan đến phần thưởng và động lực, cụ thể là vùng vân và vỏ não trước trán. Não của những người chơi ở mức độ dễ giải phóng nhiều dopamine hơn ở thùy não trước, là vùng não chịu trách nhiệm về cảm xúc và nhận thức rủi ro.
Giáo sư West cho biết một số hóa chất cụ thể trong não như là endorphins và dopamine đóng vai trò trong các trải nghiệm về mong muốn và hình thành hành vi. Ví dụ như dopamine giải phóng trong vùng não gọi là nhân nằm "dạy" cho chúng ta biết thích gì và không thích gì, còn endorphins liên quan đến các cảm giác về sự ổn thỏa.
Có một quan niệm sai lầm rằng dopamine giải phóng ra để tạo khoái cảm hoặc để đáp lại sự khen thưởng và não sản sinh ra hóa chất này khi người ta thỏa mãn. Tuy nhiên, một bài báo đăng trên Tạp chí Thần kinh cho biết các chất dẫn truyền thần kinh này thực ra là động lực động viên người ta hành động trước khi nhận được khen thưởng.
Nói cách khác, dopamine được giải phóng nhằm đạt được một cái gì đó tốt đẹp. Dopamine được giải phóng ở những vùng não khác nhau, đó cũng chính là lý do vì sao mỗi người lại tìm thấy cảm hứng ở những thứ khác nhau, hay được động viên bởi những thứ khác nhau.
Mức độ sản sinh dopamine ở mỗi người là khác nhau, điều này giải thích vì sao một số người lại kiên trì hơn so với những người khác khi cùng nhắm đến một mục đích.
Có cách nào để một người trở nên hứng khởi hơn không?
Hoàn toàn có thể trở nên hứng khởi hơn nếu chúng ta hiểu được cái gọi là khoảng cách giữa ý định và hành vi. Đó là ý kiến của Giáo sư tâm lý sức khỏe Susan Michie, Giám đốc Trung tâm Thay đổi hành vi của Trường đại học London, England, Anh.
Bà cho biết mặc dù một người có thể cảm thấy rất muốn thay đổi, nhưng vẫn không thực sự thay đổi. Đó là vấn đề chuyển đổi từ cảm giác sang hành động. Chỉ có cảm giác vẫn chưa đủ để khiến các thay đổi xảy ra. Người đó còn cần có những kỹ năng quản lý hành vi và cơ hội để làm cho các thay đổi xảy ra.
Theo bà, có nhiều cách để thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành vi. Đó là lập kế hoạch, chi tiết hóa chính xác cái gì, khi nào, với ai mà hành động đó cần diễn ra. Chia sẻ kế hoạch đó người khác cũng có thể tăng thêm cảm hứng để bạn bám sát kế hoạch đó, bởi vì việc thực hiện kế hoạch cùng ai đó hoặc gặp gỡ ai đó biết về kế hoạch này có tác dụng tạo nên phần thưởng về trải nghiệm tâm lý, xây dựng hình ảnh.
Một nghiên cứu năm 2011 đã đăng trên Tạp chí La bàn Tâm lý xã hội và Tính cách, phát hiện ra rằng tham gia vào hoạt động của một nhóm có thể khuyến khích và nâng cao chất lượng hoạt động cho các thành viên yếu hơn của nhóm, những người được coi là kém năng lực hoàn thành nhiệm vụ hơn so với những người khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là vì niềm tin cho rằng nỗ lực của ai đó là cần thiết để cả nhóm có được thành công.
Ngoài ra, thay đổi một hoạt động bằng một hoạt động khác cũng có thể làm tăng cảm hứng, động lực. Giáo sư Michie nói rằng: "nếu một người có ý định ngừng làm một việc mà họ thích, ví dụ như uống rượu, thì họ cần nghĩ đến việc gì họ có thể làm thay vì uống rượu và tránh đến những nơi có thể đưa họ đến hành vi uống rượu mà họ đang muốn bỏ."
- Tại sao mèo thường làm động tác nhào bột?
- Tại sao bạn vẫn đau sau khi sỏi thận đào thải?
- Tại sao gỗ cũng có thể trở thành hóa thạch?