Vì sao nhiều người bị nhầm là… đã chết?

Chuyện thật tưởng như đùa xảy ra không ít lần tại các cơ sở với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, khiến cả người trong và ngoài cuộc đều hãi hùng khi chứng kiến.

Bị nhầm là đã chết

Một phụ nữ 82 tuổi gần đây được cho là đã chết tại một viện dưỡng lão ở thành phố New York, Mỹ. Bà được di chuyển tới nhà tang lễ, nhưng sau đó bất ngờ được các nhân viên tại đây phát hiện là còn sống.

Trước đó, một sự cố tương tự cũng xảy ra ở bang Iowa, Mỹ, nơi một phụ nữ 66 tuổi mắc chứng mất trí sớm được y tá tuyên bố là đã chết. Thế nhưng khi nhân viên nhà tang lễ mở túi đựng xác chứa nạn nhân, họ thấy bà vẫn sống và đang trong tình trạng thở hổn hển.

May mắn thay, những tình huống oái ăm như vậy xảy ra không quá nhiều, nhưng vẫn khiến chúng ta không khỏi "rùng mình". Tại sao lại có những sự cố nhầm lẫn tai hại đến vậy?

Theo lý giải của các chuyên gia, những biểu hiện như: không thấy tiếng tim đập, nạn nhân ngừng thở trong một khoảng thời gian nhất định, đồng tử giãn ra, không phản ứng với bất kỳ kích thích nào… đều có nghĩa là người đó đã chết.

Trên thực tế, tất cả các bác sĩ, y tá đều được dạy cách để phân biệt điều này và tất cả đều ý thức được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, những người này không thực hiện đúng quy trình, dẫn tới việc không nghe được tiếng tim và phát hiện hơi thở nông.

Cũng có những trường hợp cái chết đã được xác nhận một cách cẩn thận, nhưng bệnh nhân thực sự đã có dấu hiệu của sự sống sau đó.

Nguyên nhân "cái chết" kỳ lạ


Cũng có những trường hợp cái chết đã được xác nhận một cách cẩn thận, nhưng sau đó sống lại đầy bí ẩn. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Trong một số trường hợp, thuốc, chất độc và nước lạnh có thể là nguyên nhân xảy ra những tình huống hi hữu, nơi nạn nhân có những biểu hiện như người đã chết.

Thuốc an thần là luận điểm đầu tiên, khi đây là phương thức có tác dụng bảo vệ não khỏi bị hư hại, đồng thời được sử dụng trong quá trình gây mê cho bệnh nhân khi thực hiện các thủ thuật phẫu thuật lớn. Loại thuốc này thậm chí khiến cơ thể ngừng tuần hoàn trong một thời gian nhất định.

Nếu dùng quá liều thuốc an thần, người bệnh sẽ giảm khả năng phản ứng và suy giảm toàn bộ hệ thống hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến tình trạng "cái chết giả" do cơ thể bảo vệ não khỏi tình trạng thiếu oxy. Tuy nhiên sau đó, khi thuốc được đào thải khỏi cơ thể, nạn nhân có thể tỉnh lại.

Một vài độc tố có thể có tác dụng tương tự. Những kẻ tội phạm hay sử dụng một loại bột chứa bên trong một lượng nhỏ tetrodotoxin từ cá nóc để làm tê liệt nạn nhân, trước khi bắt cóc họ.

Chất độc này gây tổn thương hệ thần kinh, và khiến nạn nhân hôn mê nặng. Trong nhiều trường hợp, họ thậm chí bị nhầm là đã chết.

Thậm chí, ngâm mình trong nước đá cũng có thể dẫn đến thứ gọi là "ảo giác về cái chết" vì nó có tác dụng làm chậm nhịp tim, cũng như hệ tuần hoàn nói chung.

Trong y học cấp cứu, những bác sĩ được dạy rằng bệnh nhân chết đuối thậm chí không thể được coi là đã chết cho đến khi họ được ủ ấm. Nhiều tình huống tương tự đã ghi nhận sự phục hồi từ hệ thần kinh và hô hấp của nạn nhân khoảng 70 phút sau khi họ bị coi là đã chết.

Chứng ngất xỉu cũng có thể đánh lừa ngay cả những bác sĩ có chứng nhận y khoa. Ở Honduras, một thiếu nữ đang mang thai được cho là đã chết vì sốc sau khi nghe thấy tiếng súng nổ ở gần khu phố. Cô thậm chí đã được đem đi chôn cất.

Thế nhưng ở đám tang, người ta hoảng hốt khi nghe thấy có tiếng kêu phát ra từ trong quan tài.

Một số chuyên gia lý giải rằng trong trường hợp này, cơ thể của cô gái dường như đã kích hoạt dây thần kinh phế vị - cũng là dây thần kinh sọ dài nhất trong cơ thể, trong thời gian ngất xỉu. Điều này làm tim đập chậm lại và giảm huyết áp tới mức gần như không thể đo được.

Rốt cuộc, cô bị nhầm rằng đã chết, và đã tỉnh dậy sau một cơn ngất kéo dài.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất