Vì sao ở bán cầu Nam lại xảy ra nhiều cơn bão mạnh hơn?
Bán cầu Nam có nhiều bão hơn khoảng 24% so với bán cầu Bắc vì nhiều lý do mà đến nay chúng ta vẫn chưa thể giải thích hết.
Một nghiên cứu mới đây đã tập trung tìm hiểu các loại hình bão và nhận thấy rằng độ cao của các dãy núi cùng với vòng tuần hoàn năng lượng trên các đại dương là hai nhân tố chính quyết định sự hình thành của các cơn bão ở hai nửa bán cầu.
Để có được các kết luận, nhóm nghiên cứu ở Trường đại học Chicago và Trường đại học Washington, Mỹ, đã chạy một loạt các mô hình khí hậu để xem xét các yếu tố thay đổi như địa hình và hải lưu tác động như thế nào đến số lượng các cơn bão hình thành.
Một cơn siêu bão nhiệt đới xuất hiện ngoài khơi nước Úc năm 2012. (Ảnh: NASA).
Nhà khoa học khí hậu Tiffany Shaw ở Trường đại học Chicago nói rằng: "vì không thể bỏ Trái đất vào một cái lọ nên chúng tôi phải dùng các mô hình khí hậu lập ra bằng các định luật vật lý và tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra các giả thuyết".
Mỗi lần thí nghiệm, các nhà khoa học lại thay đổi một phần trong các mô hình khí hậu. Và khi "san bằng" các khối đất ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu thì họ nhận thấy sự khác biệt (về số lượng cơn bão) giảm đi một nửa giữa hai bán cầu. Sau đó, họ lại "hãm phanh" vòng tuần hoàn chính của hải lưu toàn cầu. Cùng với việc san bằng các ngọn núi, năng lượng giảm sút do hãm phanh hải lưu đã khiến cho mức độ bão ở hai bán cầu bằng nhau.
Bên cạnh đó, các quan sát bằng vệ tinh cũng cho thấy tần suất các cơn bão đang tăng lên ở bán cầu Nam kể từ những năm 1980 đến nay, trong khi hầu như không thay đổi ở bán cầu Bắc. Điều này rất có thể là do những thay đổi về nhiệt độ khí quyển và đại dương. Những thay đổi này đang diễn ra trên toàn thế giới, nhưng ở phía Bắc các cơn bão ít thay đổi là do băng tuyết tan và khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời nhiều hơn cân bằng lại với nhiệt độ tăng.
Báo cáo nghiên cứu viết rằng: "dự báo ở bán cầu Nam sẽ có nhiều bão hơn, còn bán cầu Bắc gần như không thay đổi do có sự đối nghịch giữa biến đổi khí hậu ở vùng nhiệt đới và biến đổi khí hậu ở vùng cực".
Chỉ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, các nhà khoa học mới quan tâm nhiều đến những thay đổi của khí hậu và thời tiết trên toàn thế giới, mặc dù những người đi biển đã biết đến những sự khác biệt giữa hai bán cầu từ rất lâu rồi.
Cùng với sự ra đời của công nghệ theo dõi bằng hình ảnh tại chỗ nhờ vệ tinh từ những năm 1980 trở đi, các nhà nghiên cứu có thể thu thập được rất nhiều thông tin mới về điều kiện thời tiết để lập bản đồ và giám sát những thay đổi qua từng năm.
Phát hiện mới của nghiên cứu nói trên sẽ được tích hợp vào các mô hình biến đổi khí hậu để giúp chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề ấm lên toàn cầu sẽ tác động ra sao đến các cơn bão và các loại hình thời tiết ở hai bán cầu và những thay đổi nào là quan trọng nhất.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng khi thiết lập được nền tảng kiến thức này, chúng ta có khả năng dự báo biến đổi khí hậu chính xác hơn và từ đó giúp cho mọi người chuẩn bị tốt hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu.
- Loài người đang gặp lại vị tử thần khiến khủng long trỗi dậy?
- Núi lửa bùn ở Indonesia - Thảm họa thiên nhiên tàn khốc đến từ cả sức mạnh tự nhiên và lòng tham con người
- Mặt trái quyền lực dưới cái nhìn của người Ai Cập cổ đại