Vì sao thời Trung Cổ, nam giới thượng lưu lại chuộng tóc bồng, xù?

Trước Dolly Parton (1946) lừng danh với câu nói “tóc càng cao thì càng gần Chúa” 300 năm, Hoàng đế Louis XIV (1638 – 1715) đã khởi xướng trào lưu tóc nam có một không hai trong lịch sử và bất kỳ quan chức nào cũng phải đội bộ tóc giả bồng, xù cồng kềnh vô hạn.

Biểu tượng địa vị

Trong lịch sử Pháp, Louis XIV vang danh “Vua Mặt trời”. Ông là một trong những nhà chinh phạt mạnh nhất và tại vị lâu nhất, với thời gian trị vì lên tới 72 năm 110 ngày.

Bất ngờ là hoàng đế tưởng chừng chỉ quan tâm binh nghiệp này lại vô cùng để ý thời trang, đặc biệt là mái tóc. Nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ phụ hoàng của ông, tiên vương Louis XIII (1601 – 1643).

Thời Trung đại, Pháp định kiến tóc mỏng và đầu hói là dấu hiệu của người bị bệnh giang mai, vì bệnh này chỉ được chữa bằng… thủy ngân và tác dụng phụ của phương pháp điều trị này là gây rụng tóc.

Thời thiếu niên, Louis XIII từng có mái tóc dài và dày tự nhiên. Tuy nhiên, mới 23 tuổi, ông bắt đầu bị rụng tóc. Các thợ tóc hoàng cung phải tỉ mẩn lấy từng sợi tóc của ông làm tâm, tết thêm 3 sợi khác từ bên ngoài vào để mái tóc trông dày và dài hơn.

Bất chấp sự nỗ lực của tiên vương và các thợ làm tóc, tóc của ông vẫn cứ rụng. Cuối cùng, ông đành đội tóc giả và có lẽ vì người đội tóc giả là hoàng đế, triều đình Pháp sớm chấp nhận tóc giả như một biểu tượng địa vị.

Louis XIV kế vị vua cha năm 1643, khi mới 4 tuổi, đúng thời điểm Kinh đô Madrid của Tây Ban Nha đang là tâm điểm thời trang của châu Âu. Từ tuổi thiếu niên, ông đã mê cuồng phong cách quần áo màu tối sang trọng, thích đi giày gót đỏ và đặc biệt quan tâm đến mái tóc.

Giống như tiên vương, hoàng đế cũng sớm bị rụng tóc. Trước cả khi bị hói, ông đã học theo vua cha, yêu cầu thợ làm tóc tết thêm tóc bên ngoài vào cho dày hơn. Và, cũng giống như tiên vương, hoàng đế không tránh khỏi số phận bị trọc đầu khi mới bước sang tuổi 30. Ông từ bỏ việc cứu vớt bộ tóc, chuyển hẳn sang dùng tóc giả.

Bộ tóc giả của Hoàng đế Louis XIV nổi bật với độ dày và dài. Nó là tập hợp của những lọn tóc xoăn được bện chặt với nhau, dài chấm gót chân, do thợ làm tóc riêng của hoàng đế là Benoît Binet tạo ra.

Càng lúc, Hoàng đế Louis XIV càng đầu tư nhiều hơn cho bộ tóc giả. Đội ngũ thợ làm tóc giả của ông lên tới 48 người. Họ xem sợi tóc như sợi tơ, kết đan, thắt nút theo những hoa văn phức tạp để tạo hiệu ứng bồng bềnh, sau đó khéo léo khâu vào chiếc mũ ôm sát đầu. Một bộ tóc giả của hoàng đế cần khoảng 10 bộ tóc dài bình thường và rất nhiều thời gian mới hoàn thành.

Sau hoàng đế, hàng loạt các quan chức thuộc triều đình Pháp cũng thi nhau đội tóc giả. Chẳng bao lâu, tóc giả trở thành yêu cầu bắt buộc đối với đàn ông tầng lớp thượng lưu, đặc biệt là các phán quan, linh mục. Đồng thời, nghề làm tóc giả bùng nổ. Chỉ riêng ở Kinh đô Paris, số lượng thợ làm tóc giả đã tăng từ 200 người năm 1673 lên 945 người năm 1771.

Thị hiếu của Hoàng đế Louis XIV là tóc giả phải thật bồng. Thợ làm tóc giả nào của Pháp cũng cố gắng khiến cho bộ tóc giả bồng cao hết cỡ. Họ trả giá cho các bộ tóc thật rất đắt, khiến buôn bán tóc trở thành trọng tâm kinh tế. Không ít phụ nữ nông thôn đã thoát cảnh nghèo nhờ bán đi mái tóc dài, đặc biệt là tóc xù dài.

Vì sao thời Trung Cổ, nam giới thượng lưu lại chuộng tóc bồng, xù?
Tóc giả bồng và xù là chuẩn mực trang phục đàn ông thượng lưu châu Âu thế kỷ XVII. (Ảnh: Nationalgeographic.com).

Thống trị thời trang châu Âu

Trong lịch sử nhân loại, tóc giả có từ thời trước Công nguyên. Nhiều xác ướp Ai Cập đội tóc giả và tại Hy Lạp cổ đại, phụ nữ thượng lưu cũng rất ưa chuộng tóc giả màu vàng nhập khẩu từ Đức.

Thời Trung Cổ ở châu Âu, nhà thờ khuyến khích để tóc tự nhiên, không nên đội tóc giả. Tuy nhiên, nữ hoàng nổi tiếng người Anh, Elizabeth I (1558 - 1603) đã làm thay đổi thái độ của công chúng bằng bộ sưu tập hơn 80 bộ tóc giả màu đỏ. Lý do Elizabeth I yêu thích tóc giả cũng giống như Louis XIII, vì tóc bà quá thưa. Nhờ bà, phụ nữ châu Âu không cần phải lén lút hay xấu hổ vì đội tóc giả.

Người mang trào lưu tóc giả cho đàn ông về Anh là Hoàng đế Charles II (1630 – 1685). Năm 1660, sau thời gian lưu vong ở Pháp, ông đã quay lại với rất nhiều bộ tóc giả to, xù, để giấu đi mái tóc bị bạc sớm. Giới thượng lưu Anh vốn dễ bị ảnh hưởng bởi người thống trị, nhanh chóng trở thành tín đồ của tóc giả bồng, xù. Họ không ngại trả cả 800 shilling/bộ, tương đương với khoảng 8 nghìn bảng Anh ngày nay.

Suốt nhiều năm, hội chợ tóc được mở khắp châu Âu. Các thiếu nữ nông dân dễ dàng đổi đời nếu có mái tóc đẹp. Sau tóc xù là tóc vàng hoặc tóc màu khói được giá cao. Ở nhiều nơi, chúng còn đắt hơn cả lông bờm ngựa và lông dê vốn rất giá trị.

Mặc dù được ưa chuộng, tóc giả mang lại rất nhiều phiền phức cho người đội vì rất nóng và nặng. Một bộ tóc giả hoàn chỉnh nặng từ 3 – 4 pound (khoảng 1,4 – 1,8kg). Vì được thiết kế thật bồng và xù, nó không ôm chắc lấy đầu mà dễ dàng bị rơi ra chỉ với một cái cúi. Mỗi khi bước vào phiên xét xử, các phán quan thường phải để ý đến bộ tóc giả, tránh bị lệch hoặc rơi xuống làm ảnh hưởng đến bầu không khí trang nghiêm.

Chưa hết, tóc giả còn dễ… bắt lửa. Ở thời đại mà ánh sáng nhân tạo ban đêm chủ yếu là nến, đàn ông với mái tóc giả to xù vô hạn rất dễ vô tình… tự thiêu và đốt nhà.

Năm 1715, Hoàng đế Louis XIV băng hà. Cùng lúc, trào lưu tóc giả bồng và xù cũng cáo chung. Con trai của ông, Hoàng đế Louis XV (1710 – 1774) ghét kiểu tóc bồng, xù cồng kềnh, khuyến khích thời trang tóc đơn giản, ép sát đầu. Dưới thời Louis XV, thần tử Pháp thường phủ bột để ép tóc xẹp xuống và cột gọn sau gáy.

Sau Pháp, các nước châu Âu còn lại cũng dần ghẻ lạnh với tóc giả bồng, xù. Cuối thế kỷ XVIII, thời trang tóc nam này hoàn toàn kết thúc.

Từ khóa liên quan:
Loading...
TIN CŨ HƠN
Bí ẩn của sinh học: Tại sao không thể chế tạo máy bay có đôi cánh giống như chuồn chuồn?

Bí ẩn của sinh học: Tại sao không thể chế tạo máy bay có đôi cánh giống như chuồn chuồn?

Mặc dù con người đã chế tạo thành công nhiều loại robot sinh học khác nhau nhưng vẫn còn một bí ẩn khiến các nhà khoa học bối rối.

Đăng ngày: 04/12/2023
Vì sao cá ông chuông được gọi là cá voi sát thủ giả?

Vì sao cá ông chuông được gọi là cá voi sát thủ giả?

Cá ông chuông, tên khoa học Pseudorca crassidens, là một loài cá heo thuộc họ Delphinidae. Đây là thành viên lớn thứ ba của họ Cá heo đại dương. Chúng còn có một cái tên gọi khác là cá voi sát thủ giả!

Đăng ngày: 03/12/2023
Tại sao Hoa Kỳ lại thả 2,4 tỷ con muỗi biến đổi gene ra bên ngoài môi trường?

Tại sao Hoa Kỳ lại thả 2,4 tỷ con muỗi biến đổi gene ra bên ngoài môi trường?

Theo tạp chí Smithsonian, những con muỗi biến đổi gene này do Công ty công nghệ sinh học Oxitec tạo ra và chúng đều là những con đực không thể hút máu.

Đăng ngày: 02/12/2023
Tại sao hóa thạch lại có nhiều màu sắc khác nhau?

Tại sao hóa thạch lại có nhiều màu sắc khác nhau?

Xương thường có màu trắng hoặc hơi vàng, nhưng các hóa thạch thì khác và có nhiều màu sắc khác nhau.

Đăng ngày: 02/12/2023
Bạc không phản ứng với thạch tín, vì sao các hoàng đế dùng kim bạc để thử độc trước khi ăn?

Bạc không phản ứng với thạch tín, vì sao các hoàng đế dùng kim bạc để thử độc trước khi ăn?

Hóa ra các hoàng đế thời xưa thường dùng các kim bạc để thử độc thức ăn là có lý do đặc biệt.

Đăng ngày: 01/12/2023
Vì sao mống mắt lại được thu thập làm dữ liệu căn cước công dân?

Vì sao mống mắt lại được thu thập làm dữ liệu căn cước công dân?

Mống mắt của mỗi người có cấu trúc đường vân duy nhất và không thay đổi nhiều theo thời gian, đây là lý do chúng được nhiều nước sử dụng làm cơ sở dữ liệu nhận dạng.

Đăng ngày: 01/12/2023
Vì sao bảo tồn sếu đầu đỏ mất nhiều chi phí?

Vì sao bảo tồn sếu đầu đỏ mất nhiều chi phí?

Thời gian bảo tồn 10 năm, việc chăm sóc, nhân giống kỳ công, phục hồi cả vùng sinh thái rộng lớn... là lý do tổng kinh phí phát triển đàn sếu hơn 185 tỷ đồng.

Đăng ngày: 01/12/2023
Tiêu điểm
Khoa Học News