Virus khiến lông sói đổi màu ở Bắc Mỹ
Đoán màu lông của chó sói nghe có vẻ vô bổ. Tuy nhiên, loại thú này không phải lúc nào cũng có bộ lông màu xám, theo Sciencealert.
Sói là động vật sống trải dài khắp Bắc Mỹ và Âu Á. Từ lâu, các nhà khoa học đã đặt câu hỏi tại sao ở Bắc Mỹ, càng đi về phía nam, những con sói lại có xu hướng màu đen khác thường. Trong khi đó, những con sói ở khu vực khác lại có bộ lông màu xám.
Mới đây, câu hỏi này đã được lý giải khi các nhà khoa học phát hiện ra bệnh tật chính là thủ phạm gây ra sự thay đổi bộ lông của loài sói. Trong đó, loại virus gây tử vong ở chó là nguyên nhân tạo ra bộ lông đen ở sói.
Sói đen thường sống ở khu vực Bắc Mỹ. (Ảnh: Johne marriott).
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà sinh thái học Sarah Cubaynes, ĐH Montpellier (Pháp).
Thông thường, áp lực tiến hóa có thể dẫn đến một số hậu quả đặc biệt, nhất là các vấn đề liên quan đến bệnh tật. Một số cá thể có nhiều khả năng sống sót hơn, dựa trên số lượng gene quy định khả năng chống lại căn bệnh đó.
Tuy nhiên, những con sống sót sau đó sinh sản ra thế hệ mới chứa các biến thể di truyền đó. Các biến thể di truyền này có thể làm di truyền của quần thể thay đổi theo thời gian. Nhưng, các cấu hình di truyền tạo ra tính kháng không phải lúc nào cũng chỉ có một chức năng.
Theo nghiên cứu, màu lông xám ở chó sói (Canis lupus) được xác định bởi một gene có tên CPD103. Tuy nhiên, một đột biến CPD103 xuất hiện ở chó đã truyền sang sói, tạo ra bộ lông màu đen.
Nhưng, việc chứng minh virus làm thay đổi DNA có thực sự xảy ra ở sói hay không và liệu virus có ảnh hưởng đến CPD103 hay không lại là điều không dễ dàng.
Theo những nghiên cứu trước đó, mỗi con sói có hai bản sao CPD103, một bản được thừa hưởng từ bố mẹ. Khác với di truyền của con người, chó sói chỉ cần một bản sao của gene lông đen để tạo ra lông đen.
Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng sự biến đổi gene này có thể đóng một vai trò nào đó trong việc chống lại CDV, vì nó mã hóa cho một loại protein giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng phổi.
Điều này có nghĩa là nếu những con sói có bộ lông đen sống sót sau dịch bệnh, chúng sẽ sinh sản và truyền biến thể CPD103 cho đàn con của chúng.
Dựa trên lý thuyết này, nhóm nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm, phân tích 12 quần thể sói trên khắp Bắc Mỹ để xem liệu sự xuất hiện của các kháng thể gây bệnh ở chó - dấu hiệu cho thấy virus đã nhiễm và sống sót - có tương quan chặt chẽ với những con sói lông đen hay không.
Họ phát hiện ra những con sói có kháng thể nhiều khả năng có bộ lông màu đen - nhất là những con sói già. Sói đen cũng phổ biến hơn ở những khu vực từng xảy ra dịch bệnh.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu dữ liệu về quần thể sói trong 20 năm tại Công viên Yellowstone - nơi sói được đưa trở lại vào những năm 1990.
Ở đây, sói xám chiếm 55%, sói đen chiếm 45%. Trong đó, chỉ 5% sói đen có 2 bản sao của biến thể CPD103 lông đen. Điều này cho thấy những con sói có xu hướng chọn bạn tình có màu lông đối lập sẽ tăng cơ hội sinh sản thành công. Điều này cũng khiến con cái của chúng sống sót sau bệnh tật.
Tuy nhiên, chúng chỉ sinh sống ở những khu vực đã trải qua đợt bùng phát dịch bệnh ở chó.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng loại đột biến này không chỉ xảy ra ở loài sói. Thực tế, một số loài khác, bao gồm lưỡng cư, côn trùng, bò sát và động vật có vú, đều có mối liên hệ giữa màu sắc và khả năng kháng bệnh. Màu sắc này có thể hoạt động như một tín hiệu giúp động vật chọn bạn tình, mang lại lợi thế sinh tồn cho con cái của chúng.
- 15 cây cầu vượt biển dài nhất thế giới
- Tại sao con người không thuần hóa được chó sói?
- Những sự thật ít được biết đến về loài sói