Virus Nipah nguy hiểm thế nào?
Hệ số lây nhiễm của virus Nipah tương đối thấp, chỉ khoảng 0,33, song tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh lên đến 40-75%, thậm chí 90%.
Ấn Độ ghi nhận đợt bùng phát virus Nipah ở Kerala khiến hai trong số 5 người nhiễm bệnh tử vong. Chính quyền quận Kozhikode, nơi dịch bệnh bùng phát, đã thiết lập "khu vực hạn chế", đóng cửa trường học. 76 người tiếp xúc với nguồn lây đang được theo dõi chặt chẽ.
Đây là đợt bùng phát virus Nipah thứ tư ở Kerala. Làn sóng dịch nguy hiểm nhất là vào năm 2018, với 18 trường hợp dương tính virus, 5 ca nghi nhiễm, 17 người trong số đó tử vong.
Nipah là một loại virus RNA thuộc họ Paramyxoviridae. Đợt dịch đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện ở Malaysia năm 1998, khiến 265 người mắc bệnh và 105 trường hợp tử vong. Kể từ đó, mỗi năm có một hoặc hai đợt bùng phát. Hơn một nửa số người nhiễm bệnh chết .
Các khu vực virus lây lan nhiều nhất là Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Philippines.
Virus gây chết người nhưng không dễ lây truyền
Nghiên cứu về 248 trường hợp nhiễm virus Nipah ở Bangladesh kéo dài nhiều năm kết luận khoảng một phần ba số bệnh nhân lây nhiễm từ người khác. Các nhà khoa học ước tính hệ số lây nhiễm R0 (số người lây virus từ cùng một nguồn) là khoảng 0,33. Điều này có nghĩa virus khó có thể lây lan ra xa nguồn động vật. Để so sánh, hệ số R0 của Covid-19 là khoảng 1,4-3,9.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do NiV là 40-75%. Tuy nhiên, đợt bùng phát ở Kozhikode năm 2018, con số tương tự lên đến hơn 90%. Người từng nhiễm bệnh và hồi phục phải chịu những tổn thương lâu dài về sức khỏe. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 từ 0,7% đến 4%; cúm là 1%...
Dù virus Nipah gây chết người, hiện chưa có bằng chứng cho thấy nó có khả năng lan rộng ra ngoài khu vực con người hoặc gia súc tiếp xúc với dơi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sự bùng phát virus Nipah có thể là dấu hiệu cho thấy động vật hoang dã đang mất dần môi trường sống do sự xâm nhập của con người. Điều này thu hẹp khoảng cách giữa hai loài, làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh khác loài.
Dù hệ số R0 thấp, nếu động vật được vận chuyển đến các thành phố lớn nơi mật độ dân cư dày đặc, nguy cơ lây truyền virus từ người sang người tăng lên. Tình trạng này tạo điều kiện cho virus tiến hóa, gây ra đại dịch mới.
Con đường lây nhiễm virus Nipah
- Virus Nipah có thể lây truyền cho người khi tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh, ví dụ dơi hoặc lợn, hoặc chất dịch cơ thể của chúng (máu, nước tiểu hoặc nước bọt).
- Đường lây thứ hai là tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm bởi chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh (nhựa cây cọ hoặc trái cây bị ô nhiễm bởi một con dơi bị nhiễm bệnh).
- Cuối cùng, tiếp xúc gần với người bị nhiễm Nipah hoặc chất dịch cơ thể của họ (bao gồm các giọt nước mũi hoặc đường hô hấp, nước tiểu hoặc máu).
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ hỏa táng thi thể cậu bé 12 tuổi nhiễm virus Nipah ở bang Kerala, Ấn Độ, tháng 9/2021. (Ảnh: AP)
Bệnh chưa có vaccine ngừa và thuốc chữa
Tỷ lệ nhiễm virus Nipah không triệu chứng thay đổi tùy theo từng đợt bùng phát, dao động từ 17% đến 45%. Biến chứng chính ở người bệnh là viêm não (sưng não). Bệnh nhân cũng bị sốt, đau đầu dữ dội, nhiều người mất phương hướng, buồn ngủ và lú lẫn. Một số bệnh nhân nhiễm trùng khoang ngực.
Hiện chưa có thuốc chính thức điều trị virus Nipah. Bác sĩ thường chăm sóc người bệnh theo triệu chứng riêng lẻ, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và hy vọng họ hồi phục.
Ở các nghiên cứu trên động vật, một số phương pháp cho thấy tiềm năng, nhưng đều chưa được thử nghiệm trên người. Trong thử nghiệm tiền lâm sàng nhỏ, loại thuốc có tên ribavirin giảm tỷ lệ tử vong, song cần nghiên cứu sâu hơn.
Phương pháp kháng thể đơn dòng cũng được chứng minh hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở khỉ xanh, nếu sử dụng đủ sớm trong quá trình lây nhiễm virus. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa khẳng định thuốc có hiệu quả ở người.
Chính phủ Ấn Độ đang mua kháng thể đơn dòng từ Australia để sử dụng trong đợt bùng phát mới nhất.
Không có vaccine ngăn ngừa virus Nipah. Các nhà khoa học đang thử nghiệm một loại vaccine mRNA trên người, song chưa cho kết quả rõ rệt.
- Những điều cần biết về loại virus gây tỷ lệ tử vong 70% tại Ấn Độ
- Những điều cần biết về loại virus lạ bùng phát, giết chết 9 người ở Ấn Độ
- Cảnh báo virus từ dơi gây phù não có thể là đại dịch tiếp theo