Vỡ hồ chứa chất thải, Hungary ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 5-10, chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại ba tỉnh phía tây sau khi một hồ chứa chất thải công nghiệp bị vỡ, gây nên một trận lũ bùn làm 4 người thiệt mạng, 7 người mất tích và 120 người bị thương.
Khoảng 600.000 - 700.000m3 chất bùn đỏ, vốn là sản phẩm của việc tinh chế bauxite, đã tràn ra khỏi hồ chứa của nhà máy Ajkai Timfoldgyar Zrt ở thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest 160 km vào chiều 4-10. Lượng chất thải đã nhanh chóng biến thành một trận lũ, quét qua các khu vực lân cận với mức lũ lên đến 2m, như tại thị trấn Devecser.
Các chuyên viên được điều đến để dọn dẹp chất thải. (Ảnh: Reuters).
Nhiều nạn nhân bị những vết bỏng ở mắt và trên người, bởi loại chất thải này làm bỏng da và gây nhiễm độc nếu vô tình nuốt phải.
Các chuyên gia cho biết chất bùn đỏ này chứa nhiều kim loại độc hại như chì và có thể gây ung thư, trong khi BBC dẫn lời bác sĩ Peter Jakabos nói các vết bỏng có thể mất nhiều ngày để lộ ra, gây tổn thương nặng đến các phần bên trong.
Hiện chưa có ca tử vong nào được ghi nhận là bị bỏng hay nhiễm độc. Nguyên nhân tử vong của 4 nạn nhân là do chết đuối, cảnh sát cho biết.
Địa điểm xảy ra vụ tràn chất thải. Hình ảnh cho thấy thị trấn Kolontar nằm ngay sát khu vực hồ chứa chất thải. (Ảnh: AP).
Các chuyên gia cho biết chất thải có tính phóng xạ nhẹ và có thể gây ung thư nếu hít phải bụi. (Ảnh: Reuters).
Chính phủ Hungary cho biết trận lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến 7.000 người, phá hủy nhiều ngôi nhà và làm hư hại nhiều công trình đường sá. Gần 500 binh lính và cảnh sát đã được huy động, trong khi tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại 3 tỉnh Veszprem, Vas và Gyor-Moson-Sopron.
“Đây là thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong lịch sử Hungary” - Reuters dẫn lời ông Zoltan Illes, Bộ trưởng phụ trách vấn đề môi trường của Hungary. Chính phủ Hungary đang lo ngại về một thảm họa môi trường xảy ra nếu số chất thải này tràn ra sông Danube và các nhánh sông khác như Marcal và Torna.
Mưa lớn có thể là nguyên nhân làm cho hồ chứa bị vỡ, theo phóng viên BBC tại Hungary, Nick Thorpe. Hiện cảnh sát đã khám xét trụ sở công ty MAL Zrt., tuy nhiên công ty này khẳng định “hồ chứa đã không có dấu hiệu gì bất thường” và chất thải này không được coi là nguy hại theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Hòn đảo "kỳ diệu" giúp bạn tăng chiều cao
Đảo Martinique nằm trong quần đảo núi lửa Lesser Antilles, ở phía Đông vùng biển Caribbean. Với diện tích 1.128km2, dân số trên đảo khoảng gần 400.000 người.

Bão tuyết là gì? Bão tuyết được hình thành như thế nào?
Bão tuyết là một hiện tượng đặc trưng bởi sức gió mạnh ít nhất là 56km/h và kéo dài trong một thời gian dài - thường là ba giờ hoặc hơn.

Vì sao trước khi mưa, mây thường có màu đen?
Lúc trời bắt đầu mưa, một trong những dấu hiệu nhận biết là khi nhìn lên trời, chúng ta sẽ mây có màu đen xám xịt.

Tại sao mây có nhiều màu sắc?
Mây trên trời đa phần đều là màu trắng pha một chút xám, nhưng đôi khi cũng có những đám mây đủ màu như đen, hồng, tím, vàng, đỏ,... Màu sắc mây có được đều do mây phản chiếu lại ánh sáng mặt trời; đồng thời cũng có mối quan hệ chặt chẽ giữa thời gian hình thành, phạm vi phân bố, kích thước và thể thích của mây.

18 điều thú vị về Nam cực và Bắc cực
Là hai vùng Cực của Trái đất, nơi có khí hậu luôn lạnh giá, nhưng Nam Cực và Bắc Cực chứa đựng nhiều điều khác biệt.

Con người đang tự hủy diệt như thế nào?
Con người đang hằng ngày tàn phá môi trường sống của chính mình theo nhiều cách, vô tình hoặc cố ý. Từ các công trình xây dựng sai lầm...
