Vỡ nhiều tuyến đê ở đồng bằng sông Cửu Long
Sau hơn một ngày rò rỉ, chiều 28/9 nhiều đoạn đê tại Đồng Tháp, An Giang đã lần lượt vỡ gây trở ngại giao thông và đe dọa hàng nghìn ha lúa vụ thu đông đang trổ bông.
Tình hình diễn biến phức tạp khiến lãnh đạo các tỉnh cảnh báo người dân phải đề phòng nước ngập để bảo vệ tài sản, đồng thời tập trung lực lượng khẩn cấp cứu đê.
Hàng nghìn người dân cùng bộ đội được huy động cứu đê. (Ảnh: Gia Bảo)
Đại diện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, chiều 28/9 tuyến đê bao Cả Mũi, ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A bị vỡ khiến 500 ha lúa chìm trong biển nước. Đoạn đê ở ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng vỡ làm ngập trên 355 ha lúa thu đông khoảng 30 ngày tuổi. Hơn 600 công an, bộ đội, biên phòng, dân địa phương tập trung gia cố đê.
Cũng ở huyện này, đê bao xã Thông Bình bị rò rỉ 6 km chân đê đe dọa hơn 150 ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Một tuyến đê bao khác ở xã Tân Hội bị vỡ một cống hở khá nghiêm trọng, nhờ lực lượng tại chỗ đông và phát hiện sớm nên sự cố được khắc phục ngay.
Theo lãnh đạo huyện Tân Hồng, hiện mưa lớn và kéo dài làm mực nước lũ lên rất nhanh. Hai huyện luôn bố trí công an, bộ đội và dân quân tự vệ chia nhau túc trực 24/24h ở các tuyến đê nhằm phát hiện kịp thời sự cố.
Ông Nguyễn Văn Na, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, Trưởng Ban Phòng chống lụt bão huyện cũng cho biết, đoạn đê bao phía dưới cống tiêu thoát nước Bà Bếp Vĩnh thuộc HTX Nông nghiệp Tân Phát, ấp 3, xã An Hòa, đã bị vỡ nghiêm trọng.
Nhiều tuyến đường bị sạt lở. (Ảnh: Gia Bảo)
Mực nước thượng nguồn đang lên nhanh, tại Hồng Ngự ở mức 4,52 m và Tam Nông 3,35 m, khiến tình hình sạt lở bờ hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu tiếp tục diễn ra.
Đặc biệt là xã An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp, chỉ trong hai ngày 26-27/9 đã xảy ra sạt lở dài trên 200 m, lấn sâu khoảng 40 m, diện tích đất mất gần 12.000 m2. Đến nay khu vực này có tổng diện tích sạt lở khoảng 28.000 m2, có đến 70 hộ phải di dời khẩn cấp.
Tại huyện Thanh Bình mức độ sạt lở diễn ra liên tục, nhất là ở các xã cù lao. Mới đây tại ấp Tân Phú, xã Tân Bình xảy ra vụ sụt đất mất đoạn lộ nhựa khoảng 100 m, ăn sâu vào từ 30 đến 40 m. Như vậy đầu mùa nước nổi đến nay khu vực này xảy ra sạt lở kéo dài khoảng 2,5km, trên 120 hộ dân phải di dời.
Ngay trong sáng 28/9, huyện ủy Tân Hồng có công văn khẩn về phòng chống lũ gửi tỉnh và yêu cầu lực lượng huyện tiếp tục huy động tổng lực để cứu các tuyến đê trong toàn huyện. Huyện Tân Hồng phát động toàn dân ủng hộ cừ tràm, cừ bạch đàn, vật tư, bao đất khẩn trương gia cố hàng loạt tuyến đê xung yếu đang bị nước lũ uy hiếp.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề nghị các địa phương xảy ra sự cố bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân. Trước diễn biến nước đầu nguồn ở trên mức báo động 3, dòng chảy nước sông Tiền đổ về mạnh, ông Dương cảnh báo các địa phương phải theo dõi chặt chẽ mức độ sạt lở, để kịp thời di dời dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tại An Giang, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã xảy ra 4 vụ sạt lở đê bao ngăn lũ, thiệt hại 2.700 ha hoa màu và lúa vụ 3 tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới.
Cụ thể tại tuyến đê kênh 7 (kênh Đào - Cần Thảo) thuộc xã Ô Long Vĩ (Châu Phú) nước lũ phá vỡ đê nhấn chìm 1.500 ha lúa. Cùng thời gian trên, tại đoạn đê kênh 8, xã Thạnh Mỹ Tây nước lũ làm bể đê nhấn chìm 250 ha lúa đang đẻ nhánh trên 40 ngày tuổi.
Tại huyện Châu Thành, nước lũ đã phá vỡ đê xã Vĩnh Hanh vào rạng sáng nay đã khiến 320 ha lúa đang trổ bông bị ngập. Trước đó, tại xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) áp lực nước lũ đã phá đê gây ngập khoảng 630 ha hoa màu và lúa.