Voi Ma mút 42.000 năm tuổi lần đầu tiên xuất hiện
Chú voi Ma mút có tên Lyuba sau 42.000 năm bị chôn vùi dưới bùn lầy đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng Mỹ tại Bảo tàng The Field, bang Chicago.
>>> Hồi sinh loài voi ma mút
Theo các nhà khoa học, Lyuba là chú voi Ma mút từng sống ở Kỷ Băng hà, cách nay 42.000 năm. Lyuba được một người chăn tuần lộc sống tại vùng tự trị Yamal-Nenet, miền Bắc Siberia, Nga phát hiện năm 2007. Chú voi Ma mút này sau đó được đặt theo tên của vợ người chăn tuần lộc.
Các nhà khoa học bên xác chú voi Ma mút Lyuba. (Ảnh Vietnamnet)
Lyuba được bảo quản trong tình trạng nguyên vẹn nhờ nằm sâu dưới lớp băng dày hàng nghìn năm. Ngoài ra, bề mặt Lyuba còn được bảo vệ bằng một loại acid lactic do vi khuẩn trong tự nhiên sinh ra.
Các nhà khoa học cho rằng chú voi này được 1 tháng tuổi khi bị chết ngạt do rơi xuống đầm lầy gần một con sông. Lyuba dài 1,14m và nặng 42kg. Khi trưởng thành, Lyuba có thể cao 2,4m và nặng 3 đến 4 tấn.
Các nhà khoa học thuộc Khoa Cổ sinh vật học, Đại học tổng hợp Michigan đã tiến hành chụp cắt lớp và cộng hưởng từ cũng như phân tích ADN đối với Lyuba.
Ngoài ra, các phân tích dạ dày của Lyuba còn phát hiện ra sữa của voi mẹ. Các chất lưu lại trên ngà, răng nhai cũng đem lại những thông tin chính xác về chế độ ăn, môi trường và sức khỏe của chú voi này.
Lyuba được cho là mẫu vật duy nhất còn nguyên vẹn của một con voi Ma mút từ Kỷ Băng hà. Các nhà khoa học đánh giá chú voi Lyuba có giá trị rất lớn đối với khoa học trong việc nghiên cứu lịch sử loài người, lịch sử các hệ khí hậu Trái đất cũng như sự biến đổi khí hậu qua các thời kỳ.