Voi ma mút thời tiền sử sắp hồi sinh trong “Công viên kỷ Jura” ở Nga?
Trung tâm nghiên cứu nhân bản vô tính hàng đầu thế giới sắp được mở cửa ở thành phố lạnh giá nhất của Nga, hứa hẹn cho ra đời các loài sinh vật đã biến mất hoàn toàn trên Trái đất.
Theo Mirror, cơ sở nghiên cứu đặt tại thành phố Yakutsk này tiêu tốn tới hơn 4,5 triệu bảng Anh. Cơ sở này được so sánh với “Công viên kỷ Jura” trong bộ phim nổi tiếng của Hollywood.
Voi ma mút có thể tái xuất ở vùng Siberia, Nga.
Cơ sở nghiên cứu sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng tới, với mục tiêu “nghiên cứu các loài sinh vật tuyệt chủng ở cấp độ tế bào và tìm cách hồi sinh các loài sinh vật như voi ma mút, hổ hang động và loài ngựa cổ xưa”.
Cơ sở nghiên cứu nhân bản này được kỳ vọng sẽ giúp mở ra một trang mới đối với các nhà khoa học Nga. Họ đã thu thập nhiều mẫu ADN của các loài sinh vật từ thời tiền sử, được bảo quản nguyên vẹn trong lớp băng vĩnh cửu trong hàng chục ngàn năm.
Các nhà khoa học Nga thu thập được nhiều mẫu ADN của voi ma mút còn nguyên vẹn.
Lena Grigorieva, nhà khoa học Nga nói: “Chúng tôi sở hữu những mẫu vật độc đáo nhất thế giới, không chỉ giúp mở ra khả năng nhân bản động vật, mà còn giúp giải mã những căn bệnh hiếm gặp và cách phòng tránh”.
Cơ sở nghiên cứu mới này có liên hệ với giáo sư đại học Havard, George Church. Ông Church là người lên kế hoạch hồi sinh voi ma mút dựa trên phôi thai loài voi châu Á vào năm 2020.
Nếu thành công, loài voi lai tạo mới sẽ được thả về tự nhiên ở Siberia, tái tạo khu vực sinh tồn của voi ma mút ở phía bắc Yakutia.