Vụ nổ kinh khủng khiến hàng trăm người nhìn thấy mù mắt ngay lập tức, 900 quả bom ở Hiroshima không là gì
[Khi cư dân của một thành phố Trung Đông cổ đại ngày nay gọi là Tall el-Hammam đi làm công việc hàng ngày của họ vào một ngày khoảng 3.600 năm trước (năm 1650 TCN), họ không hề biết một tảng đá không gian băng giá 'vô hình' đang lao về phía họ với tốc độ khoảng 61.000 km/giờ (tương đương ~17.000 mét mỗi giây).
Xẹt qua bầu khí quyển, tảng đá nổ tung thành một quả cầu lửa lớn cách mặt đất khoảng 4.000 mét. Vụ nổ mạnh bằng 1.000 quả bom nguyên tử ở Hiroshima (1945).
Những cư dân thành phố bị sốc khi nhìn chằm chằm vào nó, hàng trăm người ngay lập tức bị mù vĩnh viễn.
Nhiệt độ không khí nhanh chóng tăng lên trên 2.000 độ C. Quần áo và gỗ ngay lập tức bốc cháy. Gươm, giáo, gạch bùn và đồ gốm bắt đầu tan chảy. Gần như ngay lập tức, toàn bộ thành phố bốc cháy.
Vài giây sau, một làn sóng xung kích lớn ập vào thành phố. Di chuyển với vận tốc khoảng 1.200 km/giờ - nó mạnh hơn cả cơn lốc xoáy tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử [Đó là trận lốc xoáy Tri-State Tornado xảy ra tại 3 bang của Mỹ là Missouri, Illinois và Indiana vào ngày 18/3/1925]. Những cơn gió chết chóc xé toạc thành phố, phá hủy mọi tòa nhà.
Không ai trong số 8.000 người hoặc bất kỳ động vật nào trong thành phố sống sót - cơ thể của họ bị xé toạc và xương của họ nổ thành những mảnh nhỏ.
Khoảng một phút sau, cách Tall el-Hammam 22 km về phía tây, gió từ vụ nổ ập đến thành phố Jericho ở bờ Đông sông Jordan. Các bức tường thành của Jericho sụp đổ và mặt đất bị thiêu rụi].
Tất cả nghe giống như phân đoạn cao trào của một bộ phim thảm họa Hollywood (Mỹ). Nhưng đó là sự thực đã diễn ra cách đây gần 4.000 năm.
Hình ảnh mô ta vụ nổ có sức mạnh gấp 1.000 quả bom nguyên tử tại Hiroshima (Nhật Bản). (Ảnh: Allen West và Jennifer Rice , CC BY-ND).
Vậy làm sao chúng ta biết rằng tất cả những điều khủng khiếp này đã thực sự xảy ra gần Biển Chết ở Jordan hàng thiên niên kỷ trước?
Để có được câu trả lời cần gần 15 năm (kể từ năm 2006) khai quật miệt mài của hàng trăm nhà khảo cổ, khoa học và lịch sử cùng các tình nguyện viên đến từ khắp Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, Úc, New Zealand, Cận Đông.
Câu trả lời cũng liên quan đến các phân tích chi tiết về vật liệu khai quật của hơn 20 nhà khoa học ở 10 bang của Mỹ, cũng như Canada và Cộng hòa Séc. Tựu chung lại, bức tranh thảm họa mà chúng ta vừa nhìn thấy là thành quả của hàng trăm nhà khoa học, làm việc trong suốt 15 năm.
Khi nhóm các nhà khoa học công bố bằng chứng về vụ nổ thiên thạch khiến hàng nghìn người chết cách đây 3.600 năm tại Tall el-Hammam ngày nay trên tạp chí Scientific Reports, 21 đồng tác giả đã chung tay viết báo cáo này. Họ gồm các nhà khảo cổ học, nhà địa chất học, nhà địa hóa học, nhà địa mạo học, nhà khoáng vật học, nhà cổ sinh vật học, nhà trầm tích học, chuyên gia tác động vũ trụ và bác sĩ y khoa.
Đây là cách họ xây dựng bức tranh về sự tàn phá khủng khiếp này trong quá khứ.
Lớp hủy diệt
Nhiều năm trước, khi các nhà khảo cổ quan sát các cuộc khai quật của thành phố đổ nát, họ có thể nhìn thấy một lớp dày khoảng 1,5 mét của than, tro, gạch bùn nung chảy và đồ gốm nung chảy.
Rõ ràng là một trận bão lửa dữ dội đã phá hủy thành phố này từ lâu. Dải tối này được gọi là lớp hủy diệt (destruction layer).
Ma trận phá hủy dày 1,5 mét cũng thể hiện các đặc tính hiếm có trong các địa tầng bên trên hoặc bên dưới nó.
Các nhà nghiên cứu tại khu vực tàn tích, với lớp hủy diệt nằm ở giữa mỗi bức tường. (Ảnh: Phil Silvia, CC BY-ND).
Không ai chắc chắn chính xác điều gì đã xảy ra, nhưng lớp đó không phải do núi lửa, động đất hoặc chiến tranh gây ra. Không thảm họa nào trong số chúng có khả năng nấu chảy kim loại, gạch bùn và đồ gốm khủng khiếp như thế.
Để tìm ra thủ phạm cũng như chuyện gì đã thực sự xảy ra, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng Chương trình Tác động Trái đất để lập mô hình các tình huống phù hợp với bằng chứng. Được xây dựng bởi các chuyên gia về tác động, phương pháp tính toàn này cho phép các nhà nghiên cứu ước tính nhiều chi tiết của một sự kiện tác động vũ trụ, dựa trên các sự kiện va chạm và vụ nổ hạt nhân đã biết.
Có vẻ như thủ phạm tại Tall el-Hammam là một tiểu hành tinh nhỏ tương tự như tiểu hành tinh đã phá hủy 80 triệu cây ở Tunguska, Nga vào năm 1908. Và thủ phạm tại Tall el-Hammam là một phiên bản nhỏ hơn nhiều của thiên thạch khổng lồ rộng hàng km đâm vào Trái đất và đẩy loài khủng long bị tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm.
Như vậy, các nhà khoa học đã có "kẻ tình nghi". Giờ là lúc họ đi tìm bằng chứng về những gì đã xảy ra ngày hôm đó tại Tall el-Hammam.
Truy tìm kim cương trong bụi bẩn
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã tiết lộ một loạt bằng chứng đáng kể.
Tại khu vực này, có những hạt cát bị nứt vỡ mịn được gọi là thạch anh sốc nhiệt, và nó chỉ hình thành ở áp suất 725.000 pound trên inch vuông (5 gigapascal) - Nếu chưa hình dung áp suất của 5 gigapascal lớn cỡ nào thì bạn hãy tưởng tượng áp suất đó bằng 6 xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ nặng 68 tấn mỗi chiếc xếp chồng lên nhau và đè lên ngón tay cái của bạn!
Hình ảnh hiển vi điện tử của nhiều vết nứt nhỏ trong các hạt thạch anh bị sốc nhiệt. (Ảnh: Allen West, CC BY-ND).
Lớp hủy diệt cũng chứa các hạt diamonoid nhỏ - Nanodiamond - và như tên gọi đã chỉ ra, nó cứng như kim cương.
Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, có vẻ như gỗ và thực vật trong khu vực đã ngay lập tức biến thành vật liệu giống như kim cương này bởi áp suất và nhiệt độ cao khủng khiếp của quả cầu lửa.
Diamonoid (trung tâm) được hình thành do nhiệt độ cao từ quả cầu lửa và áp suất lên thực vật. (Ảnh: Malcolm LeCompte, CC BY-ND).
Các thí nghiệm với lò nung trong phòng thí nghiệm cho thấy gốm sủi bọt và gạch bùn ở Tall el-Hammam hóa lỏng ở nhiệt độ trên 1.500 độ C. Nó đủ nóng để làm tan chảy một chiếc ô tô trong vòng vài phút.
Quả cầu bằng cát nóng chảy (phía trên bên trái), vữa thạch cao (phía trên bên phải) và kim loại nấu chảy (hai ảnh phía dưới). (Ảnh: Malcolm LeCompte, CC BY-ND).
Lớp hủy diệt cũng chứa các vật liệu nóng chảy nhỏ hơn các hạt bụi trong không khí. Được gọi là quả cầu, chúng được làm bằng sắt và cát nóng chảy ở khoảng 1.590 độ C.
Ngoài ra, bề mặt của đồ gốm và thủy tinh nóng chảy lốm đốm những hạt kim loại nóng chảy nhỏ, bao gồm iridium với điểm nóng chảy là 2.466 độ C, bạch kim nóng chảy ở 1.768 độ C và zirconi silicat nóng chảy ở 1.540 độ C.
Cùng với nhau, tất cả bằng chứng này cho thấy nhiệt độ trong thành phố tăng cao hơn so với nhiệt độ của núi lửa, chiến tranh và hỏa hoạn bình thường của thành phố. Quá trình tự nhiên duy nhất còn lại là một tác động vũ trụ.
Bằng chứng tương tự cũng được tìm thấy tại các địa điểm va chạm đã biết, chẳng hạn như sự kiện Tunguska (Nga) và miệng núi lửa Chicxulub (ở bán đảo Yucatán tại Mexico), được tạo ra bởi tiểu hành tinh lao vào Trái đất.
Khám phá này lại mở ra một câu hỏi là tại sao thành phố và hơn 100 khu định cư khác bị bỏ hoang trong vài thế kỷ sau sự tàn phá này?
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân có thể là do lượng muối lắng đọng cao sau sự kiện tác động khiến cây trồng không thể phát triển được.
"Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng vụ nổ có thể đã làm bốc hơi hoặc làm văng lượng nước muối Biển Chết độc hại ra khắp thung lũng. Không có cây trồng, không ai có thể sống trong thung lũng tới 600 năm, cho đến khi lượng mưa tối thiểu trong khí hậu giống như sa mạc này đã rửa sạch muối trên các cánh đồng" - Các tác giả viết trong báo cáo.
Nhân chứng sống?
Sự kiện tàn phá kinh hoàng từ trên không này đã được lưu truyền bằng miệng qua nhiều thế hệ cho đến khi nó được ghi lại thành câu chuyện trong Kinh thánh Sodom. Kinh thánh mô tả sự tàn phá của một trung tâm đô thị gần Biển Chết - đá và lửa từ trên trời rơi xuống, khiến hơn một thành phố bị phá hủy, khói dày bốc lên từ đám cháy và cư dân thành phố thiệt mạng.
Đường đi của thiên thạch nổ tung trên bầu trời Tall el-Hammam ngày nay. (Ảnh: NASA , CC BY-ND).
Đây có thể là lời kể của một nhân chứng cổ đại?
Nếu đúng như vậy, sự phá hủy Tall el-Hammam có thể là sự hủy diệt lâu đời thứ hai của khu định cư con người do một sự kiện tác động vũ trụ, sau ngôi làng Abu Hureyra ở Syria khoảng 12.800 năm trước.
Điều đáng sợ là, theo các nhà khoa học, sự kiện thiên thạch đâm vào Trái đất gần như chắc chắn sẽ không phải là lần cuối cùng xảy ra khiến con người thiệt mạng và Trái đất mang trên mình vết sẹo vì tác nhân ngoài không gian.
Các vụ nổ khí có kích thước tương tự thiên thạch tại Tunguska, chẳng hạn như vụ nổ xảy ra tại Tall el-Hammam, có thể tàn phá toàn bộ các thành phố và khu vực, và chúng gây ra mối nguy hiểm cực kỳ nghiêm trọng trong thời hiện đại.
Hình ảnh động mô tả vị trí của các vật thể gần Trái đất đã biết tại các thời điểm trong 20 năm, tính đến tháng 1 năm 2018. (Ảnh: NASA / JPL-Caltech)
Tính đến tháng 9 năm 2021, có hơn 26.000 tiểu hành tinh gần Trái đất được biết đến và một trăm sao chổi gần Trái đất có chu kỳ ngắn. Một trong số đó chắc chắn sẽ đâm vào Trái đất. Hàng triệu người thiên thạch khác vẫn chưa được phát hiện và một số có thể đang hướng về Trái đất ngay bây giờ.
Trừ khi kính thiên văn trên quỹ đạo hoặc trên mặt đất phát hiện ra những vật thể nguy hiểm tiềm tàng này, thế giới có thể không có bất cứ cảnh báo trước nào, giống như người dân Tall el-Hammam khi phải hứng chịu thảm họa từ trên trời rơi xuống theo đúng nghĩa đen.
Theo các nhà khoa học, thiên thạch lao vào Trái đất là một trong số những thảm họa quy mô toàn cầu, đe dọa đến tính mạng con người cũng như sinh vật sống, trong đó phải kể đến chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu.
Bài báo này được đồng tác giả bởi các nhà khảo cổ học Phil Silvia, nhà địa vật lý Allen West, nhà địa chất Ted Bunch và nhà vật lý vũ trụ Malcolm LeCompte.
Đồng tác giả là Christopher R. Moore - Nhà khảo cổ học và Giám đốc Dự án Đặc biệt tại Chương trình Nghiên cứu Khảo cổ học Sông Savannah và Viện Khảo cổ học và Nhân chủng học Nam Carolina, Đại học Nam Carolina, Mỹ.
- Phát hiện 461 vật thể lạ lang thang trong Hệ Mặt trời
- Ngắm nhìn Trái đất và vũ trụ từ ý tưởng tàu vũ trụ Dragon Cupola mới của SpaceX
- Tìm thấy phân tử đầu tiên trong vũ trụ nhờ vào tinh vân cách chúng ta 3.000 năm ánh sáng