WHO gửi thư cho Thủ tướng kiến nghị cấm amiăng
“Cần phải hành động kịp thời để ngăn chặn việc tiếp tục sử dụng amiăng trong vật liệu xây dựng và cấm hoàn toàn tất cả các loại amiăng để bảo vệ cuộc sống, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo sự ổn định xã hội của Việt Nam”, đại diện WHO và ILO viết.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Khu vực Tây Thái Bình Dương và Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã viết thư gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bày tỏ những lo lắng về việc tiếp tục sử dụng amiăng trắng trong vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
Bức thư mà đại diện WHO và ILO gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bức thư có tiêu đề Bệnh tật liên quan tới amiăng và những lo ngại về việc tiếp tục sử dụng amiăng trong vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác tại Việt Nam do Tiến sĩ Sin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương và ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc khu vực ILO Khu vực Châu Á Thái Bình Dương ký tên ngày 5/8.
Trong bức thư của mình, đại diện WHO và ILO sau khi nói về những lý do cần phải cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng đã kiến nghị Việt Nam không tiếp tục sử dụng amiăng trắng sau 2020 và sớm xây dựng lộ trình để loại bỏ việc sử dụng amiăng.
WHO và ILO cũng hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật để loại bỏ bệnh tật liên quan tới amiăng tại Việt Nam.
Xin trích dịch nội dung chính của bức thư này:
Chúng tôi viết thư này để thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng của mình về việc tiếp tục sử dụng amiăng trắng trong vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác tại Việt Nam, một vấn đề quan trọng có liên quan tới nhiều bộ ngành khác nhau.
Amiăng trắng là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Mỗi năm 107 ngàn người chết do các bệnh liên quan tới amiăng và 1,5 triệu người khác phải sống chung với khuyết tật do các bệnh liên quan tới amiăng. Amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.
Việt Nam là nước tiêu thụ amiăng lớn thứ 10 thế giới về số lượng và đứng thứ 7 về bình quân lượng amiăng tiêu thụ trên đầu người. Tại Việt Nam, amiăng được sử dụng trong việc sản xuất tấm lợp amiăng xi măng (tấm lợp fibro ximăng), phanh ô tô, xe máy, vật liệu cách nhiệt trên tàu, các lò hơi và các ứng dụng khác.
Chính phủ Việt Nam từ lâu đã nhận ra sự độc hại của amiăng và đã cấm sử dụng các loại amiăng thuộc nhóm amphibole từ năm 1998. Tuy nhiên, việc sử dụng amiăng trắng vẫn tiếp tục và có dấu hiệu tăng cao những năm gần đây, kể từ khi kế hoạch giảm dần và tiến đến cấm hoàn toàn amiăng trong vật liệu xây dựng vào năm 2004 được lui tới năm 2010 và sau đó là tới năm 2020. Điều đáng nói hơn nữa là có khả năng việc sử dụng amiăng trong vật liệu xây dựng sẽ kéo dài tới năm 2030 theo kiến nghị của dự thảo Quy hoạch Quốc gia về Phát triển Vật liệu xây dựng.
TS Sin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, 3/2014. (Ảnh: TTXVN)
WHO và ILO khuyến cáo cấm toàn bộ các loại amiăng như biện pháp hiệu quả nhất nhằm loại trừ bệnh tật liên quan tới amiăng vì những lý do sau:
Lý do sức khỏe cộng đồng: Các bằng chứng tiếp tục cho thấy rằng, các quốc gia đang gánh chịu bệnh tật liên quan tới amiăng tỉ lệ với việc tiêu thụ amiăng của quốc gia đó. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, gánh nặng bệnh tật liên quan tới amiăng tại các quốc gia (đang phát triển) là bắt nguồn từ sự phục thuộc quá lớn vào amiăng trong những thập niên trước đó, bất kể những cố gắng để “sử dụng an toàn” amiăng.
Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp ung thư trung biểu mô. Chúng tôi đề nghị Việt Nam không trì hoãn các quyết định xa hơn để chờ tìm thêm các trường hợp khác. Các bằng chứng quốc tế về việc amiăng trắng là nguyên nhân dẫn tới các bệnh ung thư đã được chứng minh rõ ràng bởi Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC).
Lý do kinh tế: Các sản phẩm chứa amiăng có “giá rẻ” thường được viện dẫn như là lý do để tiếp tục sử dụng amiăng, đặc biệt là trong việc cung cấp các tấm lợp giá rẻ cho người nghèo. Tuy nhiên, yếu tố “giá rẻ” cần phải được cân nhắc trong mối tương quan với những chi phí bồi thường cho các công nhân làm việc trong ngành công nghiệp amiăng do mắc các bệnh liên quan tới amiăng. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến những khoản chi phí cho rất nhiều người, đặc biệt là những người nghèo đang phải sống trong những căn nhà sử dụng các tấm lợp độc hại. Những chi phí cho việc dỡ bỏ các vật liệu có chứa amiăng được chứng minh là rất lớn là nguyên nhân trì hoãn việc cấm amiăng ở nhiều quốc gia.
Đã có những vật liệu thay thế amiăng được sản xuất ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam. Công nghệ sản xuất các tấm lợp không amiăng được phát triển tại Việt Nam là một cơ hội cho giải quyết việc làm tại địa phương và cơ hội để Việt Nam xác lập vị trí trong ngành công nghiệp xanh tại khu vực. Tăng cường việc sản xuất các sản phẩm này cũng sẽ làm giảm giá của các tấm lợp không amiăng bao gồm cả việc phục vụ cho những người nghèo.
An ninh xã hội là một nguyên nhân nữa để thông qua việc cấm hoàn toàn amiăng. Kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy, nhiều vụ náo động và các vụ kiện cá nhân chống lại chính phủ do chính phủ đã không bảo vệ sức khỏe cộng đồng do chấp thuận việc tiếp tục sử dụng amiăng.
Cần phải hành động kịp thời để ngăn chặn việc tiếp tục sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng và cấm hoàn toàn tất cả các loại amiăng để bảo vệ cuộc sống, hỗ trợ phát tăng trưởng kinh tế bền vứng và đảm bảo sự ổn định xã hội của Việt Nam.
Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam không tiếp tục sử dụng amiăng trắng sau 2020 và sớm xây dựng lộ trình để loại bỏ việc sử dụng amiăng tại Việt Nam.
Chúng ta biết rằng đã có rất nhiều tín hiệu từ các chính phủ. Đó là điều kiện công nghệ và tài chính khả thi để nhiều nhà máy có thể chuyển sang loại vật liệu và công nghệ an toàn hơn đồng thời gia tăng cơ hội xuất khẩu. Đã có hơn 50 quốc gia đã cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng.
Chúng tôi tin rằng một quyết định như vậy sẽ góp phần rất lớn vào việc bảo vệ sức khỏe cho hàng ngàn công nhân và hàng triệu người khác có nguy cơ bị phơi nhiễm trong tương lai từ các sản phẩm chứa amiăng cũng như nguy cơ bệnh tật liên quan tới amiăng.
Sức khỏa là giá trị đáng quý nhất mà mỗi con người sở hưu và một cộng đồng khỏe mạnh chính là nền tảng chắc chắn cho sự phát triển. Hiểu rõ điều này, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực và đầu tư rất lớn vào việc bảo vệ sức khỏe cho người dân. Quyết định cấm tất cả các loại amiăng sẽ góp phần tăng cường sức khỏe cho toàn bộ người dân Việt Nam.
WHO và ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật để loại bỏ bệnh tật liên quan tới amiăng tại Việt Nam.