Xác chó sói non nguyên vẹn sau 14.300 năm dưới lớp băng vĩnh cửu
Con chó sói lai có thể là vật nuôi của thợ săn tiền sử, vẫn giữ nguyên bộ lông nhờ bảo quản bởi lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia.
Các nhà khoa học sắp trình tự thành công ARN lấy từ xác một con sói non sống dưới thế Canh Tân, tìm thấy ở làng Tumat thuộc Cộng hòa Sakha hay còn gọi là Yakutia cách đây 4 năm. Nhóm nghiên cứu cho rằng con vật lai giữa chó và sói, đồng thời là vật nuôi trong nhà. Chủ của nó có thể là những thợ săn voi ma mút cổ đại. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Biology đầu tháng 8.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Smith sắp trình tự thành công ARN lấy từ xác chó sói non. (Ảnh: Siberian Times).
Chuyên gia nhân bản người Hàn Quốc Hwang Woo-suk và cộng sự tiến hành làm sạch lớp bùn và bụi đất bao phủ xác ướp sói non suốt hàng nghìn năm ở bờ sông Syalakh. Hwang tìm cách lấy mẫu tế bào để hồi sinh loài vật nhưng không thành công. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Oliver Smith ở Đại học Copenhagen thu được kết quả khi phân tích ARN lấy từ gan, sụn và mô cơ của con vật tiền sử.
ARN sắp trình tự từ mô gan có tính đại diện cho ARN của chó sói non, nhiều bản sao trùng khớp với mẫu vật từ các loài chó và sói ngày nay. Hệ phiên mã của con vật là mẫu ARN cổ nhất từng được sắp trình tự, hơn ít nhất 13.000 năm so với hệ phiên mã cổ thứ hai.
"Trước đây, các nhà nghiên cứu ngại sắp trình tự ARN cổ đại do phân tử này kém ổn định hơn ADN và thường thoái hóa về mặt enzyme. Tuy nhiên, từ thành công gần đây khi sắp trình tự ARN cổ đại ở thực vật, chúng tôi suy đoán xác động vật nguyên vẹn, đông cứng dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu, có thể chứa đủ vật liệu để sắp trình tự. Chúng tôi hết sức mừng rỡ khi tìm thấy ARN ở các mô khác nhau của chó sói non", tiến sĩ Smith chia sẻ.