1,3 triệu lỗ đen phát sáng tiết lộ về vũ trụ lúc mới ra đời
Theo SciTech Daily và Space.com, 1,3 triệu lỗ đen được lập bản đồ đều là chuẩn tinh, tức các lỗ đen nuốt vật chất nhiều đến nỗi tỏa sáng rực rỡ, "cải trang" thành các ngôi sao.
Trong số đó, lỗ đen lâu đời nhất được ghi nhận ở nơi vũ trụ chỉ mới 1,5 tỉ tuổi, tức 12,3 tỉ năm về trước.
Bản đồ 3D mới chứa đựng 1,3 triệu chuẩn tinh, là lỗ đen phát sáng như sao - (Ảnh: ESA/Gaia/DPAC).
Danh mục chuẩn tinh này đã cung cấp một bản đồ 3 chiều thể hiện thể tích của vũ trụ đầy đủ nhất từ trước đến nay, đồng thời thể hiện cách vũ trụ đã tiến hóa, giãn nở như thế nào suốt cuộc đời 13,8 tỉ năm.
Bản đồ đã được lập ra bởi một nhóm nghiên cứu đa quốc gia, đa trung tâm dẫn đầu bởi TS Kate Storey-Fisher từ Trung tâm Vật lý quốc tế Donostia (Tây Ban Nha), sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng không gian Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Chuẩn tinh là một trong những vật thể có ý nghĩa lớn nhất trong nghiên cứu vũ trụ học.
Chúng trước hết là các lỗ đen quái vật ở trung tâm các thiên hà. Khác với lỗ đen đang "ngủ đông" ở trung tâm thiên hà Milky Way mà Trái đất đang trú ngụ, một số lỗ đen tỏ ra cực kỳ sống động, háu ăn.
Các chuẩn tinh trong vũ trụ - (Ảnh đồ họa: NASA/JPL-Caltech).
Chúng nuốt vật chất dữ dội đến nỗi tạo ra nguồn năng lượng lớn, phát sáng mạnh gấp hàng trăm lần so với độ sáng của toàn bộ thiên hà, giúp các nhà thiên văn quan sát được dẫu chúng ở rất xa.
Từ đó, các chuẩn tinh trở thành các ngọn hải đăng soi sáng quá khứ của vũ trụ. Do độ trễ của ánh sáng nên hình ảnh của các vật thể hàng tỉ năm trước cũng mất hàng tỉ năm để đi đến Gaia. Nhờ vậy, chúng ta có thể quan sát chúng với hình ảnh, vị trí thuộc về quá khứ.
Đối chiếu các vật thể thuộc về nhiều thời kỳ khác nhau, các nhà khoa học có thể hình dung được cách vũ trụ phát triển sau vụ nổ Big Bang.
Bằng cách nghiên cứu các chuẩn tinh, các nhà khoa học cũng có thể ước lượng và hiểu thêm về vật chất tối, thông qua cách các chuẩn tinh kết tụ với nhau.
Theo TS Storey-Fisher, bản đồ chuẩn tinh này hứa hẹn mở ra những chân trời mới, vì có thể là công cụ để các nhà khoa học khắp thế giới đo lường mọi thứ của vũ trụ, từ cách mạng lưới vũ trụ được hình thành cho đến chuyển động của Hệ Mặt trời chúng ta trong vũ trụ.
- Chuẩn tinh chứa hố đen nặng gấp 1,5 tỷ lần Mặt trời
- 10 khám phá ngoài sức tưởng tượng trong vũ trụ
- Phát hiện cấu trúc siêu khổng lồ, có thể "nuốt chửng" cả Trái Đất