10 cỗ máy vĩ đại nhất lịch sử loài người
Với tầm quan trọng cả về lịch sử và quy mô, những cỗ máy như IMP, máy làm lạnh sử dụng hơi nước, Heinkel HeS 3, Ford Model T... đã thực sự tạo nên bước đột phá trong lịch sử.
Tiền thân của Internet: Ngày 29/10/1969, Leonard Kleinrock và nhóm nghiên cứu của ông sử dụng chiếc máy mang tên bộ xử lý thông điệp giao diện (IMP) để gửi tin nhắn đầu tiên đến một máy tính sử dụng mạng lưới máy tính chia sẻ thời gian ARPANET. Thời điểm này được coi là sự khởi đầu của mạng Internet ngày nay.
Robot Curiosity: Là sản phẩm kế thừa của các robot tự hành (rover) trên Hỏa tinh như Spirit hay Opportunity, Curiosity là cỗ máy tiên tiến nhất trong lịch sử loài người từng đáp xuống bề mặt của một hành tinh khác và thí nghiệm khoa học. Curiosity là xe thăm dò lớn và hiện đại nhất trong sứ mệnh nghiên cứu Hỏa tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Đáp xuống hành tinh đỏ ngày 6/8/2012, Curiosity đã di chuyển tổng cộng 17 km. Tên chính thức của nó là "Phòng thí nghiệm khoa học Hỏa tinh" bởi Curiosity thực sự là một phòng thí nghiệm có bánh xe.
Máy làm lạnh sử dụng hơi nước: Mặc dù không phải là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về tủ lạnh, bác sĩ John Gorrie là nhà phát minh đầu tiên nhận được bằng sáng chế của Mỹ về phương pháp làm ra băng nhân tạo. Công việc kinh doanh sau đó của ông thất bại, nhưng ý tưởng này đã mở đường cho việc thương mại hóa tủ lạnh cũng như thay đổi cách con người vận chuyển, lưu trữ và mua thực phẩm.
Động cơ phản lực đầu tiên: Heinkel HeS 3 được thiết kế bởi Hans von Ohain, là động cơ phản lực đầu tiên cung cấp năng lượng cho chiếc máy bay mang tên Heinkel He 178. Heinkel HeS đã chứng minh khái niệm đã tồn tại 13 năm trong ngành chế tạo bằng việc thay thế động cơ piston bằng một sự thay thế khác hiệu quả và mạnh mẽ hơn. Nhiều thập kỷ sau đó, những động cơ phản lực như Pratt & Whitney JT9D đã tiếp nối Heinkel HeS , trở thành nguồn nặng lượng cho chiếc Boeing 747 "Jumbo Jet", máy bay phản lực dân dụng thương mại cỡ lớn đầu tiên được sản xuất.
Ford Model T: Ngày 27/9/1908, chiếc Ford Model T đầu tiên được hoàn thành và thường được coi là mẫu xe có đóng góp nhiều cho lịch sử ngành công nghiệp ôtô. Giai đoạn từ năm 1908 đến 1929, đã có gần 15 triệu chiếc Model T đến tay khách hàng. Vào năm 1925, giá bán của xe giảm mạnh từ 825 USD xuống còn 260 USD khi Ford cải tiến quy trình sản xuất đại trà. Model T không chỉ là một chiếc ôtô thông thường mà còn "chuyên chở cả nước Mỹ" và góp phần làm thay đổi cách làm việc, cách sống cũng như giải trí của người Mỹ.
Siêu máy tính ENIAC: Được chế tạo để giải quyết các vấn đề số học quy mô lớn, siêu máy tính đầu tiên trên thế giới ENIAC nặng 80 tấn và chiếm diện tích mặt sàn 167 m2. Là “siêu máy tính điện tử” đầu tiên lúc bấy giờ, ENIAC có thể thực hiện phép tính quỹ đạo và cho kết quả nhanh hơn nhiều so với việc tính toán bằng tay. Nó cũng được coi là một trong những trung tâm lưu trữ dữ liệu đầu tiên được tạo ra, một công nghệ cực kỳ cần thiết cho hầu hết mọi ngành công nghiệp trên thế giới.
Kính thiên văn vũ trụ Hubble: Sáu thập kỷ sau khi Edwin Hubble thực hiện khám phá gây sốc rằng vũ trụ đang tiếp tục mở rộng, kính viễn vọng lớn và mạnh nhất từng được phóng cho tới hiện tại đã được đặt theo tên ông. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố Hubble là một tiến bộ quan trọng nhất trong thiên văn học kể từ khi kính viễn vọng Galileo ra đời. Ra mắt vào tháng 4/1990, Hubble đã cho chúng ta thấy sự ra đời của những ngôi sao, cái nhìn thoáng qua về các lỗ đen và vũ trụ không chỉ mở rộng mà còn đang tăng tốc.
Máy chụp CT: Năm 1971, ngành chăm sóc y tế đã được cách mạng hóa khi kỹ sư y sinh học Godfrey Newbold Hounsfield tạo ra máy vi tính chụp cắt lớp đầu tiên sử dụng trong y học và số hóa thành hình ảnh chụp cắt lớp vi tính. Chiếc máy chụp CT của ông tổng hợp nhiều tia X từ các góc độ khác nhau thành hình ảnh 3 chiều, cho phép các bác sĩ nhìn vào bên trong cơ thể người mà không cần phẫu thuật. Giải Nobel Y học năm 1979 đã được trao cho Hounsfield vì những đóng góp trongg việc chẩn đoán các bệnh thuộc hệ thần kinh.
Phương pháp in của Gutenberg: Vào năm 1450, Julian Gutenberg chính thức bắt đầu sản xuất máy in tại thành phố Mainz ở Đức, một thập kỷ sau khi nghĩ ra ý tưởng ban đầu. Loại máy in kiểu chữ kim loại thay đổi được của Gutenberg thật sự đã làm nên một cách mạng về sách. Máy in đã giúp giảm đáng kể chi phí làm sách, góp phần khiến giáo dục trở nên dễ dàng hơn đối với hàng triệu người, khởi đầu thời Phục hưng. Ngoài ra, phát minh này còn tạo điều kiện cho sự ra đời của báo và tạp chí.
Turbin gió: Kỹ sư người Scotland James Blyth là người đầu tiên phát minh ra turbin gió có thể tạo ra điện. Tuy nhiên, Charles Brush mới là người hiện thực nó khi chế tạo một turbin gió tạo ra năng lượng tự động trong sân sau ở căn biệt thự tại Cleveland vào năm 1888. Với đường kính 15m cùng 144 cánh quạt làm bằng gỗ tuyết tùng, chiếc turbin gió có thể tạo ra khoảng 1.200 watt điện năng đủ để cung cấp năng lượng cho 100 bóng đèn sợi đốt trong nhà Brush. Theo Hiệp hội Năng lượng Gió Mỹ, hiện có hơn 52.000 turbin gió ở Mỹ và có thể cung cấp điện cho 25 triệu gia đình.