10 cuốn sách nổi tiếng thế giới từng "suýt" không được xuất bản
Cuốn tiểu thuyết Carrie của Stephen King (người được mệnh danh là "ông vua kinh dị") từng bị nhà xuất bản đánh giá là không có triển vọng. Harry Potter và hòn đá phù thủy (Harry Potter and the Sorcerer's Stone) của J.K Rowling đã bị từ chối 12 lần trước khi được phát hành. Và còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. 10 cuốn sách kinh điển sau đây chính là những đại diện tiêu biểu.
1. Gone With the Wind của Margarette Mitchell
Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind), xuất bản lần đầu năm 1936, là một cuốn tiểu thuyết tình cảm của Margaret Mitchell - người đã dành giải Pulitzer với tác phẩm này vào năm 1937. Câu chuyện được đặt bối cảnh tại Georgia và Atlanta - miền Nam Hoa Kì trong suốt thời kì nội chiến và thời kỳ tái thiết. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O'Hara - một cô gái miền Nam mạnh mẽ phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến.
Đến năm 1938, hơn 1,7 triệu bản đã được ấn hành tại nước Mỹ. Sau đó đúng một năm khi bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết này lần đầu tiên ra mắt khán giả Mỹ, hơn 2 triệu bản của Cuốn theo chiều gió đã được in và dịch ra 16 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tính đến năm 1962, con số đã lên tới hơn 10 triệu bản, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và đã được chuyển thể thành sách cho người mù đọc.
Tuy nhiên, không ai biết rằng để đưa được bản thảo dày hơn 1.000 trang của cuốn tiểu thuyết này đến với người đọc, Margaret Mitchell đã từng phải đối mặt với 38 lần bị từ chối.
2. Lolita của Vladimir Nabokov
Vladimir Nabokov (1899 - 1977) là tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà nghiên cứu về thể loại văn học của nước Mỹ sinh ra tại nước Nga. Ông là người có học thức uyên bác, tài hoa đa diện và có sự nghiệp sáng tác bao trùm nhiều thể loại như thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ký, phiên dịch, cờ tướng và các luận văn về côn trùng học. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng như Lolita, Puning, Pale Fire, Ada... Thập niên 70 của thế kỷ 20, danh tiếng của ông đạt tới tột đỉnh và được tôn vinh là "vua tiểu thuyết đương đại".
Lolita là một trong những hiện tượng bất thường bậc nhất của văn chương thế kỷ 20, được xuất bản lần đầu vào năm 1955 tại Paris và được viết bằng tiếng Mĩ. Cũng như Gone With the Wind, khởi đầu của Lolita không hề suôn sẻ. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện về Humbert – một giáo sư văn chương ở Paris - 35 tuổi đem lòng yêu mến cô con gái bà chủ nhà trọ Dolores Haze (mà ông ta gọi là Lolita) chỉ mới 12 tuổi và chấp nhận lấy mẹ của cô bé để được gần gũi Lolita – người mà ông coi là "tiểu nữ thần".
"Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta. Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita."
Tác giả Vladimir Nabokov đã phải mất 2 năm ròng rã để tìm kiếm một tổ chức sẵn sàng xuất bản cuốn tiểu thuyết của mình – thường bị rất nhiều nhà xuất bản ở Mỹ cho rằng nội dung của nó là "thô tục, bẩn thỉu, loạn luân". Dịch giả Dương Tường – người đảm trách việc chuyển ngữ tiểu thuyết Lolita cũng từng thừa nhận rằng ông không dám chắc cuốn sách này sẽ được xuất bản tại Việt Nam vào thời điểm đó ngay cả khi Lolita đã được Olympia Press xuất bản.
Tuy nhiên, cho đến nay, Lolita được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của thể kỷ 20 và được tạp chí Time Magazine liệt kê vào danh sách 100 tác phẩm hay nhất của thế kỷ trước.
3. The Help (Người giúp việc) của Kathryn Stockett
The Help là cái nhìn vào mối quan hệ giữa những người phụ nữ da trắng và những người giúp việc da màu ở Mississippi trong đầu những năm 1960, xoay quanh 3 nhân vật chính: cô gái Skeeter 20 tuổi vừa trở về nhà sau khi tốt nghiệp trường Ole Miss nhưng mẹ cô chỉ chăm chăm giục cô tìm một tấm chồng; Aibileen - một giúp việc người Mỹ gốc Phi đang đau khổ sau khi mất con và Minny - người bạn thân của Aibileen thì lại vất vả tìm việc.
Ở bang Mississippi – "cái rốn" của nạn phân biệt chủng tộc ngày đó, sự phân biệt dành cho người da màu diễn ra sau cánh cửa mỗi căn nhà của người da trắng dưới vô vàn quy tắc ngầm mà mỗi người giúp việc da màu phải tuân theo, đơn giản nhưng quyết liệt: người giúp việc phải ăn bằng bát đũa riêng, phải ngồi bàn riêng, phải dùng nhà vệ sinh riêng. Chúng như một bức tường đá vô hình vững chãi chia cách những người cùng giữ vai trò làm mẹ, làm vợ.
Bản thảo The Help đã bị từ chối đến 60 lần. Tới lần thứ 61, sau năm năm viết và ba năm rưỡi bị từ chối, The Help được xuất bản và có hơn 800 ngày liên tục đứng trong top 100 cuốn sách bán chạy nhất của amazon.com.
4. Lord of the Flies (Chúa ruồi) của William Golding
Lord of the Flies (Chúa ruồi) – tiểu thuyết được xuất bản năm 1954, kể về diễn tiến bi thảm trong cuộc sống của mấy chục đứa trẻ khoảng từ 6 đến 12 tuổi may mắn sống sót trên một hoang đảo ở Nam Thái Bình Dương sau khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn trong một cuộc chiến tranh.
Mới đầu, khoảng 21 nhà xuất bản ở Anh đã từ chối bản thảo của Golding. Cuối cùng, cuốn sách được nhà xuất bản bởi Faber and Faber tại London phát hành nhưng song chẳng gây được tiếng vang gì. Tuy nhiên, vài năm sau, cuốn tiểu thuyết được nồng nhiệt đón nhận ở Mỹ. Từ đó, Chúa Ruồi trở nên nổi tiếng, được đưa vào giáo trình văn học ở Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu, ngoài ra, còn được dựng thành phim hai lần vào năm 1963 và 1990.
5. The Diary of Anne Frank (Nhật ký Anne Frank) của Anne Frank
Nhật ký Anne Frank là một cuốn sách bao gồm các trích đọan từ một cuốn nhật ký do Anne Frank viết trong khi cô bé đang trốn cùng gia đình trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan. Gia đình cô bé đã bị bắt năm 1944 và Frank cuối cùng đã chết vì bệnh sốt phát ban ở trại tập trung Bergen-Belsen. Sau chiến tranh cuốn nhật ký đã được cha của Frank là Otto Frank tìm lại được. Năm 2009, Nhật ký Anne Frank được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào Chương trình ký ức thế giới (Memory of the World. Theo UNESCO, Nhật ký Anne Frank là một trong "10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất thế giới".
Nhật ký Anne Frank đã từng bị từ chối 15 lần và một nhà xuất bản cũng ghi chú thêm rằng "Đối với tôi, cô bé này chẳng hề có một quan điểm hay cảm xúc nào đặc biệt đủ để đưa cuốn sách này vượt lên trên mức tò mò cả".
6. Carrie của Stephen King
Carrie là cuốn tiểu thuyết kinh dị được viết bởi "ông vua kinh dị" Stephen King, phát hành vào ngày 05 tháng 4 năm 1974 , với xấp xỉ 30.000 bản cho lần in đầu, xoay quanh câu chuyện về Carrie - một cô gái trung học nhút nhát sử dụng sức mạnh siêu nhiên để trả thù những người trêu chọc cô. Đây là một trong những cuốn sách thường xuyên nhất bị cấm ở trường học Mỹ.
7. Jonathan Livingston Seagull (Hải âu Jonathan Livingston) của Richard Bach
Nhà văn Mĩ Richard Bach đã từng 18 lần bị từ chối khi đi tìm một nhà xuất bản cho cuốn tiểu thuyết ngụ ngôn của mình. Các nhà xuất bản nói rằng họ không muốn phát hành một cuốn sách so sánh người với loài chim.
Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1970 xoay quanh cuộc đời của một chú hải âu có tên Jonathan đã đến tuổi trưởng thành với ước mơ bay cao hơn tất cả mọi thứ trên đời. Để đạt được điều này, Jonathan đã không ngừng tập luyện từ việc bay với tốc độ cao cho đến bay với đủ các tư thế... Tuy nhiên, những con khác trong đàn lại không hề thích Jonathan làm như vậy nên chàng hải âu này dần dần bị cô lập. Vượt lên trên mọi sự phản đối, Jonathan đã chiến thắng tất cả.
8. The Notebook (Nhật ký) của Nicholas Sparks
Nicholas Charles Sparks (1965) là tiểu thuyết gia người Mỹ với hơn 17 đầu sách đều trở thành "best seller" sau khi được xuất bản. Nhiều trong số đó đã được dựng thành phim như Message in a Bottle (1999), A walk to remember (2002), Notebook (2004), Dear John (2006), Nights in Rodanthe (2008) và The Last Song (2009). Tác phẩm của Nicholas Sparks thường có chủ đề về tình yêu, bi kịch và số phận.
Tiểu thuyết bắt đầu từ viện dưỡng lão khi một ông lão thường xuyên kể chuyện cho một bà lão về câu chuyện tình yêu xảy ra vào thời điểm Đại chiến thế giới II. Anh chàng thợ mộc Noah (Ryan Gosling) yêu Ally (Rachel McAdams) ngay từ cái nhìn đầu tiên khi cô gái 17 tuổi - con gái của một gia đình giàu có trở về thị trấn Seabrook để nghỉ hè. Tình yêu giữa hai người trẻ tuổi nảy nở bằng sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi mới lớn và đột ngột bị cắt đứt bởi sự ngăn cấm của gia đình Ally. Khi gia đình Ally quay trở lại thành phố, Noah viết cho Ally cả thảy 365 lá thư nhưng đều không đến được tay cô gái. Chờ đợi trong tuyệt vọng, Ally quyết định đính hôn với vị hôn phu mới cùng đẳng cấp xã hội. May mắn hay định mệnh, Ally đã gặp lại Noah trong căn nhà họ từng gặp gỡ. Tình yêu nồng cháy thuở ban đầu bỗng chốc ùa về khiến họ quyết định gắn bó với nhau mãi mãi....
Mặc dù nhận được thành công rực rỡ và trở nên nổi tiếng với The Notebook nhưng ít ai biết rằng cuốn tiểu thuyết lãng mạn này đã từng bị từ chối 24 lần trước khi được xuất bản bởi Teresa Park.
9. The Chronicles of Narnia (Biên niên sử Narnia) của C. S. Lewis
Biên niên sử Narnia là tác phẩm gồm 7 tập kể về những câu chuyện thú vị xảy ra ở xứ sở Narnia - một thế giới tưởng tượng tồn tại song song với thế giới con người. Đã từng bị từ chối 37 lần nhưng với cấu trúc cân đối, hoàn chỉnh và tư tưởng nhất quán từ đầu đến cuối là tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa, thể hiện tình yêu thiên nhiên của con người, tiểu thuyết này giờ đây đã được xuất bản trong 47 thứ tiếng trên thế giới và đứng thứ 21 trong danh sách 100 tiểu thuyết nổi tiếng được độc giả Anh yêu thích nhất theo bình chọn của Tạp chí Big Reader.
10. Harry Potter and the Sorcerer's Stone của J. K. Rowling
Harry Potter and the Philosopher's Stone - ấn bản Anh (Harry Potter and the Sorcerer's Stone - ấn bản Mỹ, Harry Potter và Hòn đá Phù thủy - bản dịch tiếng Việt) là tên của bộ truyện gồm bảy phần của nữ nhà văn J. K. Rowling viết về cậu bé thiếu niên Harry Potter. Câu chuyện phần lớn diễn ra tại Trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts - một ngôi trường pháp thuật và tập trung vào cuộc chiến của Harry Potter chống lại Chúa tể Voldemort - người đã giết cha mẹ cậu với tham vọng làm chủ thế giới phù thủy.
Vào năm 1995, 5 năm sau khi bắt đầu, Rowling kết thúc cuốn tiểu thuyết Harry Potter đầu tiên. Đại lý mà Rowling tìm ra đã gửi bản thảo tới 12 nhà xuất bản và đều bị từ chối. Trong lần cố gắng thứ 13, Rowling đã gặp may khi biên tập viên Barry Cunningham đến từ Bloombury đã đồng ý xuất bản cuốn tiểu thuyết này. Người này dự đoán rằng cuốn truyện sẽ mang lại cho Rowling vài nghìn USD ở thời điểm đó.
7 cuốn sách trong chuỗi Harry Potter đã được bán hơn 400 triệu bản, khiến nó trở thành series truyện được bán chạy nhất mọi thời đại. Hiện tại, J.K Rowling trở thành một trong số những người phụ nữ giàu có nhất tại Anh. Bà cũng đã thành lập tổ chức ủng hộ trẻ em và chống nghèo đói.
"Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại ko phải là ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết mà là chính ở ý chí".