11 loại vũ khí bí mật do Nhật phát triển trong thế chiến thứ 2
Chúng ta đã được nghe nói nhiều về những thành tựu khoa học kỹ thuật, nhiều loại công nghệ, vũ khí được các nước phương Tây chế tạo trong chiến tranh thế giới thứ 2. Trong khi đó, có một sự thật là Nhật Bản - một bên tham chiến của phe trục, cũng tiến hành thử nghiệm rất nhiều công nghệ mới trong cuộc chiến này. Dưới đây là 11 loại vũ khí bí mật mà quốc gia này đã chế tạo và đưa vào thử nghiệm trong thời gian đó.
Đế quốc Nhật Bản bắt đầu vươn lên giữ vị trí cường quốc vào năm 1905 sau khi đánh bại Đế quốc Nga trong "cuộc đại chiến đầu tiên của thế kỷ 20" nhằm giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên. Mặc dù trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật thuộc phe Hiệp ước, nhưng đến chiến tranh thế giới thứ 2 thì lòng trung thành của Đế quốc Nhật Bản đã có sự dịch chuyển khi hòa ước Versailles bị Hitler xóa sổ. Từ những năm 1930, Đế quốc Nhật bắt đầu thực hiện hàng loạt các chiến dịch nhằm chủ động khẳng định sức mạnh tại Thái Bình Dương. Hành động này cuối cùng đã đưa họ đến xung đột với Hoa Kỳ.
Thời kỳ Chiêu Hòa (Shōwa), Đế quốc Nhật tiếp tục đạt thêm nhiều thành tựu vượt trội về cả sức mạnh công nghiệp lẫn khoa học công nghệ nhằm bắt kịp các nước khác. Cuối cùng, Đế quốc Nhật đã có một hệ thống quân đội với trang bị vũ khí tiên tiến, đặc biệt là nhiều loại vũ khí cảm tử và thậm chí là vũ khí để thực hiện chiến tranh sinh học, hóa học. Và tất nhiên, tất cả những loại vũ khí này đều không tuân theo công ước Geneva và thậm chí, họ còn cho rằng vũ khí càng bị cấm thì tác dụng trong chiến tranh càng hiệu quả. Từ đó, hàng chục, hàng trăm loại vũ khí "trên trời" đã được chế tạo và mang vào thử nghiệm ngay trên chiến trường.
1. Khí cầu bom Fu-Go
Nếu như Đức Quốc xã có hệ thống tên lửa V2 luôn hướng về Anh thì Nhật cũng trang bị hệ thống "vũ khí trả đũa" tương tự. Tuy nhiên, thay vì phát triển tên lửa xuyên lục địa, các nhà quân sự Nhật đã đề xuất ý tưởng khinh khí cầu mang bom.
Khí cầu sẽ mang theo những quả bom cháy bên dưới, vượt quãng đường 5000 dặm (hơn 8000km) để đến Mỹ nhờ nương theo dòng tia (Jet-Stream, cơn gió mạnh từ hướng Tây thổi trên cao). Đây là một loại vũ khí giá rẻ, được chế tạo với mục đích để kích nổ tại các khu vực rừng rậm Tây Bắc Thái Bình Dương, tạo nên những đám cháy rừng lớn và phân tán nguồn nhân lực của Hoa Kỳ.
Những quả khí cầu đầu tiên được thả đi vào cuối năm 1944, hạ cánh đến Mỹ vào ngày 5 tháng 11 tại ngoại vi San Pedro, California. Những chiếc tiếp theo bay được xa hơn, tới Thermopolis, Wyoming và một số chiếc còn hạ cánh tại Canada. Theo các ghi chép, 285 quả khí cầu đã hoàn thành nhiệm vụ của chúng. Ngày 5 tháng 3 năm 1945, 6 người Mỹ đã bị giết bởi 1 trong số những quả khí cầu này tại Oregon trong khi họ đang cố lôi nó về trang trại của họ. Chính phủ Mỹ bấy giờ đã ngăn chặn giới truyền thông đưa tin về những quả khí cầu này như một ý đồ tâm lý chiến. Và mãi đến sau chiến tranh thì công chúng Mỹ mới biết được về những quả khí cầu này.
2. Siêu tàu ngầm lớp Sen Toku
Bản vẽ siêu tàu ngầm lớp Sen Toku
Đã có 3 chiếc tàu ngầm khổng lồ lớp Sen Toku I-400 được Nhật Bản chế tạo trong thời gian chiến tranh. "Con quái vật tàu ngầm" này được xem là chiếc tàu ngầm hiện đại nhất thế giới trong WW2. Đây là một phần trong kế hoạch thống trị Thái Bình Dương của Nhật Bản và bao gồm luôn cả bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Đồng thời, nó còn được dùng để lên kế hoạch tác chiến tại Panama. Tàu được trang bị 3 máy bay Aichi M6A1 mang theo lượng khối lượng bom lên tới 800 kg và có thể cất cánh ngay từ tàu ngầm. Lớp vỏ tàu được gia cố để chống thấm tuyệt đối và chịu được áp lực. Những chiếc máy bay có thể cất cánh ở bệ phóng phía trước và cả 3 đều có thể được lắp ráp, tiếp nhiên liệu, vũ trang và phóng đi chỉ trong vòng 45 phút.
Hình ảnh siêu tàu ngầm lớp Sen Toku khi đang nổi lên
Đồng thời, I-400 còn được trang bị thêm ống thông hơi tương tự như của tàu Đức, nhưng được phủ thêm lớp vật liệu dày, tương tự như cao su nhằm hấp thu tín hiệu radar và siêu âm. Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc trước khi quân đội Nhật có thể mang nó vào tác chiến. Năm 1946, I-400 đã đầu hàng quân đội Mỹ và bị đánh chìm ngoài khơi biển Hawaii và mãi tới hồi năm 2013 thì các nhà nghiên cứu mới trục vớt nó lên để nghiên cứu.
3. Unit 731 và Các loại vũ khí sinh học
Unit 731 - đơn vị phát triển vũ khí sinh hóa bí mật của Đế quốc Nhật
Từ năm 1937 đến khi chiến tranh kết thúc, Nhật đã thử nghiểm qua nhiều loại vũ khí sinh học, bao gồm cả bom chứa khuẩn que làm rụng lá cây (một trong những tiền thân của chất độc da cam) và bom dùng để lây lan dịch bệnh. Unit 731 là đơn vị bí mật nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh hóa. Nó đã từng thực hiện các thí nghiệm trên cơ thể người bằng tác nhân gây bệnh dịch hạch, bệnh tả, đậu mùa và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Quân đội Nhật sử dụng những loại bom mang tác nhân gây bệnh này nhằm khởi động các cuộc tấn công sinh học. Mục tiêu chủ yếu của nó là thông qua lương thực, nguồn nước để gây bệnh khu vực dân cư, quân sự.
Một nạn nhân trong thử nghiệm vũ khí sinh học
Theo Sheldon H. Harris, một nhà sử học tại Đại học California thì đã có hơn 200.000 người Trung Quốc đã thiệt mạng trong các thử nghiệm vũ khí sinh hóa này. Con số này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi do phần lớn các tài liệu, ghi chép đều đã bị tiêu hủy trong chiến tranh. Một nhà sử học còn cho rằng Nhật từng muốn dùng phi đội Thần Phong để thả các quả bom chứa bọ chét mang mầm bệnh xuống Mỹ vào mùa hè năm 1945.
4. Bộ quần áo lặn cảm tử Fukuryi
Bản vẽ bộ quần áo lặn cảm tử
Bộ quần áo lặn đặc biệt này được thiết kế để giúp Nhật Bản chống lại các cuộc tấn công của quân Đồng minh. Bộ quần áo được trang bị một quả thủy lôi chứa 15 kg chất nổ và gắn vào đầu một ống tre dài 5 mét. Người mặc sẽ được nhấn chìm xuống nước bằng cục chì 9 kg, sau đó đi bộ dưới nước trong khoảng 6 giờ tại độ sâu từ 5 đến 7 mét. Sau khi tiếp cận được tới thân tàu chiến của địch, người mặc sẽ tự kích nổ và chết cùng với tàu đối phương. Báo cáo cho biết một số tàu đổ bộ và tàu tuần tra của quân đội Mỹ đã bị tấn công bởi những người đánh bom cảm tử. Tuy nhiên, chưa rõ là họ có sử dụng bộ đồ lặn trên hay không.
5. Máy mã hóa "Purple"
Ảnh chụp một cỗ máy mã hóa Purple được lưu giữ đến ngày nay
Cỗ máy Enigma của quân đội Đức có thể là công cụ mã hóa nổi tiếng nhất trong chiến tranh thế giới lần 2, nhưng nó không phải là cỗ máy duy nhất. Hồi năm 1937, quân đội Nhật đã phát triển cỗ máy "97-shiki O-bun In-ji-ki" hoặc "97 Alphabetical Typewriter". Người Mỹ đặt biệt danh cho nó là "Purple" (cỗ máy màu tím). Cỗ máy bao gồm 2 bàn phím và 1 hệ thống dĩa quay cùng với bảng mạch 25 kết nối (25 cặp ký tự). Tương tự như máy Enigma, bàn phím thứ nhất được dùng để nhập văn bản chưa mã hóa bằng tiếng Anh, ký tự Romaji, La Mã hoặc trộn lẫn với nhau.
Tuy nhiên, nếu như máy Enigma biểu thị văn bản dưới dạng nhấp nháy của các đèn thì máy Purple sử dụng một bàn phím điện thứ 2. Bàn phím này sẽ gõ các dòng chữ đã mã hóa vào trong một mảnh giấy. Công việc mã hóa được thực hiện bởi 4 dĩa quay và bảng mạch chứa 25 kết nối này sẽ ngẫu nhiên sắp xếp thành 6 cặp kết nối và tạo ra 70.000.000.000.000 cách sắp xếp khác nhau. Chẳng những nó có thể mã hóa với nhiều cách mà máy còn đi kèm với 1 chuỗi ký tự bí mật để giải mã. Chuỗi này sẽ được thay đổi hàng ngày nên dù địch có đánh cắp được máy Purple thì cũng không thể giải mã được nếu không có chuỗi này.
6. Máy bay Yokosuka MXY-7 Ohka
Hình ảnh tên lửa cảm tử Yokosuka MXY-7 Ohka
Yokosuka MXY-7 Ohka thực chất là một tên lửa chống hạm có người lái thuộc biệt đội Thần Phong của quân đội Nhật. Ohka chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 9 năm 1944 và được chế tạo theo nguyên tắc dùng càng ít vật liệu càng tốt do chủ yếu phục vụ cảm tử. Trong tác chiến, Ohka được đính vào bên dưới thân máy bay mẹ là Mitsubishi G4M. Khi đến gần mục tiêu, nó sẽ được kích hoạt và phi công cố gắng lượn tới càng gần mục tiêu càng tốt trước khi tên lửa khởi động và phát nổ khi chạm tới mục tiêu.
Một bản vẽ chi tiết tên lửa cảm tử Yokosuka MXY-7 Ohka
Ohka được trang bị một đầu đạn nặng xấp xỉ 1200 kg. Với tốc độ dữ dội khi di chuyển, Ohka dường như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của nó là rất dễ bị tổn thương khi máy bay mẹ bay liện trên bầu trời. Hơn nữa, tên lửa cũng rất khó để điều khiển hướng bay chính xác. Dù có nhiều khuyết điểm nhưng ít nhất 1 tàu khu trục của quân đội Mỹ đã bị đánh chìm bởi loại tên lửa này.
7. Máy bay Mitsubishi J8M
Hình ảnh máy bay tiêm kích đánh chặn động cơ tên lửa JM8, một bản cải tiến của chiếc Messerschmitt Me 163 Komet do Đức quốc xã phát triển
Mitsubishi J8M là máy bay tiêm kích đánh chặn động cơ tên lửa thuộc biên chế quân đội Đế quốc Nhật trong thế chiến thứ 2. J8M được coi là bản sao được cấp phép của chiếc Messerschmitt Me 163 Komet do Đức quốc xã phát triển. Tuy nhiên, người Đức đã không thể gởi phiên bản chính thức tới Nhật Bản, do tàu ngầm chở máy bay đã bị đánh đắm trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, các kỹ sư Nhật đã tạo nên một chiếc máy bay tiêm kích còn hiện đại hơn phiên bản của Đức.
Bản vẽ chi tiết của chiếc máy bay J8M
Đây là mẫu máy bay được phát triển nhằm phục vụ chiến dịch ném bom vào quân Đồng minh tại châu Âu. Người Nhật nghĩ rằng điều này cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trước khi phe Đồng minh thực hiện điều tương tự vào Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn chưa có mẫu J8M hoàn thiện nào được đưa vào sử dụng mà chỉ có 1 nguyên mẫu thử nghiệm được chế tạo vào thời điểm không lâu trước khi chiến tranh kết thúc.
Ngày 7 tháng 7 năm 1945, chuyến bay đầu tiên đã được thực hiện do thiếu tá Hải quân Toyohiko Inuzuka điều khiển. Ban đầu, nó đã cất cánh thành công, nhưng động cơ lại hỏng trong lúc đang nâng độ cao, sau đó phát nổ khiến phi công tử vong. 6 nguyên mẫu tiếp theo cũng được chế tạo nhưng không có chiếc nào kịp bay thử nghiệm thì chiến tranh đã chấm dứt, kết thúc chuỗi ngày ngắn ngủi của mẫu máy bay đầy tham vọng này.
8. Xe tăng siêu nặng O-I
Hình vẽ chiếc siêu xe tăng O-I
Nhật Bản không phải là quốc gia nổi tiếng với xe tăng, tuy nhiên vào thời điểm cuối cuộc chiến, họ nảy ra những tham vọng táo bạo và thậm chí là điên rồ, chế tạo một chiếc xe tăng siêu nặng để sử dụng tại mặt trận Thái Bình Dương. Đúng như tên gọi, toàn bộ chiếc xe dự kiến sẽ có cân nặng khoảng từ 100 đến 120 tấn. Nó sở hữu 3 tháp pháo, 1 pháo cực lớn và 2 pháo phụ kích thước nhỏ hơn. Một thông tin chưa được xác nhận cho biết là chiếc xe này đã được chế tạo và thậm chí là được chuyển tới Mãn Châu, dù vậy chưa hề thấy nó xuất hiện trên chiến trường.
Trong một bản vẽ, các nhà thiết kế còn muốn trang bị cho nó tới 4 tháp pháo
9. Tia hủy diệt Ku-Go
Tương tự như nhiều mẫu vũ khí khác, Nhật Bản cũng từng nỗ lực phát triển một loại tia hủy diệt với hy vọng sẽ dùng nó để tiêu diệt những chiếc máy bay đang ở độ cao nhiều km trên bầu trời. Theo các tài liệu tịch thu bởi quân đội Mỹ sau cuộc chiến, việc nghiên cứu loại tia này đã bắt đầu từ năm 1939 tại phòng thí nghiệm Noborito. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phát triển một loại đèn magnetron cực mạnh có khả năng tạo ra các tia bức xạ.
Nhà vật lý Sinitiro Tomonaga trong nhóm đã tạo ra một chiếc đèn magnetron với đường kính 20 cm với công suất 100 kW. Dù vậy, đây vẫn là một thí nghiệm viễn tưởng. Theo các ước tính, loại tia do đèn này tạo ra chỉ đủ giết chết một con thỏ cách đó 1000 mét, với điều kiện nó phải đứng yên trong 5 phút để tia chiếu vào.
10. Xe tăng bay
Ảnh phác thảo chiếc xe tăng bay được của Đế quốc Nhật
Một trong những thách thức của quân đôi Nhật trong WW2 là di chuyển những thiết bị cơ giới hạng nặng như xe tăng từ đảo này đến đảo khác. Và dĩ nhiên, một giải pháp được đề xuất là biến chiếc xe tăng thành loại vũ khí biết bay thay vì chỉ chạy trên mặt đất.
Theo ý tưởng, đây sẽ là những chiếc xe tăng hạn nhẹ với cánh, bộ ổn định bay và bánh cất cánh có thể được tháo rời. Tuy nhiên, không có đường băng nào có thể chịu nổi cú hạ cánh của chiếc xe này nên nó còn được bổ sung thêm ván trượt bên dưới để hạ cánh. Một khi tháo các thành phần bay ra, nó lại trở về hình dáng một chiếc máy bay để chiến đất dưới đất. Còn khi bay, nó vẫn có thể được dùng như một chiếc tàu lượn ném bom các mục tiêu dưới đất. Theo kế hoạch, quân đội Nhật đã chuẩn bị chế tạo một vài mẫu xe tăng bay, bao gồm những chiếc Maeda Ku-6 và Special No. 3 Flying Tank, hoặc Ku-Ro.
11. Dự án máy bay ném bom Z
Nguyên mẫu chiếc máy bay ném bom Nakajima G10N trong dự án Z
Tương tự như dự án máy bay ném bom Amerika của Đức quốc xã, Nhật Bản cũng muốn có một chiếc máy bay có thể đánh bom xuyên lục địa, vào các mục tiêu tại Bắc Mỹ. Vào năm 1941, Hải quân Đế quốc Nhật đã thử nghiệm các cuộc tấn công bằng 13-Shi, máy bay ném bom tầm xa 4 động cơ. Nhưng các nhà hoạch định quân sự muốn một cái gì đó to hơn, nặng hơn và nhanh hơn nữa. Theo hy vọng, đó sẽ là một cái gì đó có thể mang theo hơn 22 quả bom 450 kg và bay tới độ cao xấp xỉ 10 km.
Các mẫu thiết kế được đệ trình bao gồm chiếc Nakajima G10N (hình trên) và Kawasaki Ki-91, với đặc trưng là sải cánh 72 mét và tổng chiều dài 43 mét. Nó có thể đạt vận tốc 590 km.h tại đọ cao 7,62 km với 5 động cơ, công suất mỗi động cơ 5000 mã lực. Sau đó, công ty máy bay Nakajima bắt đầu phát triển động cơ cho máy bay và hứa hẹn sẽ tăng công suất lên gấp đôi so vớ động cơ HA-44 (động cơ công suất mạnh nhất Nhật Bản thời bấy giờ). Tuy nhiên, cuối cùng thì Dự án Z đã bị hủy bỏ do tình hình chiến tranh bắt đầu xấu đi từ năm 1944.
Trên đây là 11 loại vũ khí bí mật mà quân đội Đế quốc Nhật đã phát triển trong chiến tranh thế giới thứ 2, một cuộc chiến thảm khốc trong lịch sử loài người. Đã có quá nhiều người chết, thiệt hại về vật chất không thể nào đếm được và một số còn không thể khắc phục cho đến ngày nay. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp một số thông tin thú vị cho các bạn và hy vọng thế giới sẽ hòa bình.