14 biểu tượng nổi tiếng nhưng ít người hiểu ý nghĩa (Phần 1)
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đều có thể bắt gặp và sử dụng hàng ngàn biểu tượng trong những tình huống khác nhau. Tuy nhiên, liệu bạn đã bao giờ tự hỏi về nguồn gốc của các biểu tượng? Và chúng ta có đang sử dụng chúng đúng cách?
Trang tin Bright Side đã quyết định tìm hiểu về hai câu hỏi kể trên. Kết quả là họ đã giải mã được 14 biểu tượng nổi tiếng được chúng ta sử dụng hàng ngày nhưng chẳng mấy ai biết nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của chúng.
Kí hiệu &
Quá trình kết hợp thành kí hiệu &.
Kí hiệu & (có tên gọi là "ampersand") được dùng để biểu hiện cho từ nối "et" trong tiếng Latin, có nghĩa tương đương với từ "và" trong tiếng Việt. Kí hiệu này được sáng tạo bởi Tiro, thư kí riêng của Cicero, một nhà triết học nổi tiếng thời La mã cổ đại. Để tăng tốc độ ghi chép, Tiro đã sáng tạo ra một hệ thống kí hiệu viết tắt riêng cho bản thân và sau này chúng ta thường gọi chúng với cái tên là "Ghi chú Tironian".
Nhiều thế kí sau, kí hiệu & trở nên phổ biến ở châu Âu và Mỹ. Kí hiệu này đã có vinh dự được nằm ở vị trí cuối cùng trong bảng chữ cái tiếng Anh và người ta chỉ xem xét loại bỏ nó vào đầu thế kỉ 20. Tên gọi "ampersand" của kí hiệu & thực chất là viết tắt của cụm từ "And per se and", thường được các giáo viên nói sau khi đọc một lượt bảng chữ cái tiếng Anh từ A tới Z cho học sinh.
Ngoài ra, cách viết của kí hiệu & là sự kết hợp của hai chữ cái "e" và "t" trong từ "et". Bạn có thể xem quá trình kết hợp trong hình mình họa để dễ hình dung hơn.
Biểu tượng trái tim
Biểu tượng trái tim mà ta thường thấy.
Mặc dù mọi người thường tin rằng "tình yêu bắt nguồn từ trái tim" nhưng rõ ràng là hình dạng thật của trái tim có rất ít đặc điểm chung với biểu tượng chúng ta đang dùng hiện nay. Hiện nay, đang có một số giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của biểu tượng này:
- Khi một con thiên nga gặp được bạn tình trên hồ nước, chúng sẽ tạo thành một hình giống như biểu tượng trái tim. Trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, thiên nga đại diện cho tình yêu, lòng trung thành và tận tụy vì loài chim này có tập tính sống theo cặp với nhau suốt nhau suốt đời.
Có giả thuyết cho rằng biểu tượng trái tim ban đầu được dùng để đại diện cho cơ thể phụ nữ.
- Một giả thuyết khác cho rằng biểu tượng trái tim ban đầu được dùng để đại diện cho cơ thể phụ nữ. Những người ủng hộ giả thuyết này khẳng định biểu tượng trái tim là nhằm mô tả hình dạng xương chậu của phụ nữ. Người Hy Lạp cổ đại được biết tới là rất tôn thờ khung xương chậu và bộ mông của nữ giới. Họ thậm chí đã lập ra hẳn một ngôi đền đặc biệt để thờ phụng bộ mông nhằm dâng lên cho Aphrodite, nữ thần cai quản dục vọng của con người.
- Ngoài ra, còn có một giả thuyết cho rằng biểu tượng trái tim là tượng trưng cho lá thường xuân. Trên các loại bình cổ được tìm thấy của người Hy Lạp, lá thường xuân thường được dùng để mô tả về Dionysus, vị thần sáng tạo rượu vang và bảo trợ cho niềm đam mê.
Biểu tượng Bluetooth
Vào thế kỉ thứ 10 sau công nguyên, đất nước Đan Mạch được trị vì bởi vua Harald Blatand, một nhân vật lịch sử nổi tiếng vì có công thống nhất các bộ tộc ở Đan Mạch thành một quốc gia. Vua Harald còn được biết tới với biệt danh là "Bluetooth" (có nghĩa là răng xanh) vì sở thích ăn trái việt quất đã khiến ít nhất là một chiếc răng của ông chuyển thành màu xanh vĩnh viễn.
Quá trình kết hợp thành kí hiệu Bluetooth.
Công nghệ Bluetooth được ra đời vào năm 1994 để kết nối nhiều thiết bị điện tử vào một mạng chung duy nhất. Biểu tượng đại diện cho công nghệ này là sự kết hợp của hai kí tự cổ của người Scandinavian là "Hagall", tương đương với chữ "H" trong tiếng Latin và "Bjarkan", tương đương với chữ "B" trong tiếng Latin. Hai kí tự cổ này tạo nên tên viết tắt của vua Harald Blatand, người có biệt danh là "Bluetooth" như đã nói ở trên.
Ngoài ra, có một sự thật thú vị là thiết bị Bluetooth đầu tiên trên thế giới có màu xanh dương và trông nó giống như là một chiếc răng.
Biểu tượng y tế
Biểu tượng y tế ngày nay mà chúng ta thường thấy.
Nhiều người không biết rằng biểu tượng y tế như chúng ta đang thấy hiện nay (một cây gậy có đôi cánh với hai con rắn bò xung quanh) được ra đời do một sự nhầm lẫn.
Theo truyền thuyết, thần Hermes của người Hy Lạp (tương đương với thần Mercury của người La Mã) sở hữu một chiếc gậy ma thuật có tên là Caduceus và mang hình dạng giống như biểu tượng y tế. Gậy thần Caduceus có khả năng ngăn chặn bất kỳ một tranh chấp hay đối đầu nào, nhưng rõ ràng là nó không liên quan chút gì đến y tế hay thuốc men cả.
Sự thật đơn giản là cách đây hơn 100 năm, các bác sĩ trong quân đội Mỹ đã nhầm lẫn gậy thần Caduceus với gậy thần của thần Asclepius. Cả hai cây gậy thần trông khá giống nhau nhưng gậy thần của thần Asclepius không có cánh và chỉ có một con rắn bò xung quanh. Thần Asclepius được biết tới như là vị thần y học của người Hy Lạp cổ đại.
Nhầm lẫn này đã không được để ý tới và dần dần trở thành biểu tượng y tế như chúng ta đang thấy ngày nay.
Biểu tượng "Nút nguồn"
Biểu tượng "Nút nguồn" có thể được tìm thấy trên rất nhiều thiết bị nhưng ít ai biết được về nguồn gốc của nó.
Các kĩ sư đã sử dụng hệ nhị phân để biểu diễn cho những công tắc cụ thể và biểu tượng nút nguồn ra đời từ đây.
Vào đầu những năm 1940, các kĩ sư đã sử dụng hệ nhị phân để biểu diễn cho những công tắc cụ thể. Khi đó, "1" có nghĩa là công tắc bật và "0" nghĩa là công tắc tắt. Trong những thập niên tiếp theo, biểu tượng "nút nguồn" đã dần trở thành sự kết hợp giữa một vòng tròn (biểu trưng cho số 0) và một gạch dọc (biểu trưng cho số 1) như chúng ta đang thấy.
Biểu tượng hòa bình
Biểu tượng hòa bình được sáng tạo vào năm 1958 trong các cuộc biểu tình phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Biểu tượng này là sự kết hợp của hai chữ "N" và "D", viết tắt cho từ "Nuclear Disarmament" (nghĩa là giải trừ vũ khí hạt nhân) trong hệ thống semaphore (hình thức truyền tín hiệu bằng các lá cờ cầm tay).
Biểu tượng hòa bình được sáng tạo vào năm 1958 để phản đối vũ khí hạt nhân.
Trong bảng mẫu tự semaphore, chữ "N" được thể hiện bằng 2 lá cờ cầm như chữ V ngược và chữ "D" được thể hiện bằng cách cầm một lá cờ chỉ thẳng lên trời trong khi lá cờ còn lại chỉ xuống đất. Kết hợp lại, chúng ta có được biểu tượng hòa bình.
Biểu tượng OK
Có giả thuyết cho rằng, biểu tượng OK chỉ đơn giản là để biểu trưng cho "phật thủ".
Hầu hết mọi người đều hiểu biểu tượng OK như cử chỉ tay trong bức hình ở trên có nghĩa là "Ổn" hoặc "Được rồi". Tuy nhiên, không phải ở đâu biểu tượng này cũng được mang nghĩa tích cực. Ví dụ như ở Pháp, cử chỉ tay như vậy có nghĩa là bạn đang ám chỉ ai đó không là thứ gì cả.
Hiện nay, đang có một số giả thuyết về nguồn gốc ra đời của biểu tượng OK:
- Nhiều người tin rằng biểu tượng OK là viết tắt của từ "Old Kinderhook, New York", nơi sinh ra của Tổng thống thứ 8 của nước Mỹ là Martin Van Buren. Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Van Buren đã sử dụng biệt danh "OK", tức 2 chữ cái đầu tiên của quê hương ông. Vào thời điểm đó, khẩu hiệu tranh cử được Tổng thống Van Buren đưa ra là "Old Kinderhook is OK" và các poster kêu gọi bỏ phiếu cho ông ta đều có hình biểu tượng OK.
- Một giả thuyết khác cho rằng Tổng thống thứ 7 của Mỹ là Andrew Jackson thường sử dụng biểu tượng này khi hoàn tất các quyết định của mình. Tổng thống Jackson thường viết câu "All correct" (tất cả đều đúng) thành "Oll korrect" (một câu có nghĩa tương đương trong tiếng Đức) hoặc viết ngắn gọn hơn là OK.
- Cuối cùng, một giả thuyết khác lại cho rằng biểu tượng OK chỉ đơn giản là để biểu trưng cho "phật thủ", một cử chỉ trong nghi lễ của Phật giáo và Hindu giáo. "Phật thủ" là cử chỉ biểu hiện cho tinh thần học hỏi và nhiều tác phẩm văn học của Phật giáo đã miêu tả Phật tổ thường để tay như vậy.
14 biểu tượng nổi tiếng nhưng ít người hiểu ý nghĩa (Phần 2)