17/11/1967 - Vật thể đầu tiên cất cánh từ một nơi ngoài Trái Đất
Sau 10 ngày tiến hành khảo sát Mặt Trăng, ngày 17/11, động cơ tên lửa trên Surveyor-6 đã hoạt động trong vòng 2,5 giây, tàu vũ trụ bay lên độ cao khoảng gần 4m, sau đó hạ cánh lần thứ 2 xuống vị trí cách đó khoảng 2,4m.
17/11/1967 - tàu vũ trụ Surveyor-6 của NASA trở thành vật thể đầu tiên cất cánh từ một nơi ngoài Trái Đất
Surveyor-6 là tàu thám hiểm kiểu đổ bộ của NASA, thực hiện quy trình hạ cánh mềm (soft landing) xuống Mặt Trăng, quay phim, chụp ảnh và tiến hành một số phân tích hóa học. Tàu vũ trụ có trọng lượng 299,6 kg, hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Được phóng đi từ ngày 07/11/1967 bằng hệ thống tên lửa Atlas-Centaur, Surveyor-6 mất gần 3 ngày để bay đến Mặt Trăng. Ngày 10/11, tàu vũ trụ đã hạ cánh mềm thành công xuống khu vực Sinus Medii ở nửa quay về phía Trái Đất của Mặt Trăng.
Tàu Surveyor-6.
Sau 10 ngày tiến hành khảo sát Mặt Trăng, ngày 17/11, động cơ tên lửa trên Surveyor-6 đã hoạt động trong vòng 2,5 giây, tàu vũ trụ bay lên độ cao khoảng gần 4m, sau đó hạ cánh lần thứ 2 xuống vị trí cách đó khoảng 2,4m. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, lần cất cánh thứ 2 này đã giúp các nhà khoa học kiểm tra được quá trình hoạt động của tên lửa đẩy trên bề mặt Mặt Trăng (chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm có người lái thuộc chương trình Apollo). Surveyor-6 còn tiếp tục hoạt động hiệu quả trên Mặt Trăng cho đến ngày 24/11. Tín hiệu cuối cùng mặt đất còn nhận được từ Surveyor-6 là vào ngày 14/12/1967.
Chương trình Surveyor đươc NASA tiến hành trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến năm 1968 7 tàu thám hiểm tự động đổ bộ xuống Mặt Trăng với mục đích chính là chuẩn bị cho quá trình chinh phục thiên thể này bằng các tàu Apollo. Nhiệm vụ chủ yếu của chương trình là thử nghiệm kỹ thuật hạ cánh mềm xuống Mặt Trăng của các tàu không gian. Bên cạnh đó, trên các tàu Surveyor còn được triển khai các thiết bị phân tích đánh giá thành phần, kết cấu của đất đá trên bề mặt Mặt Trăng để kiểm tra tính khả thi của việc đưa con người đổ bộ lên bề mặt thiên thể này. Cả 7 tàu Surveyor đều tiếp cận thành công Mặt Trăng, tuy nhiên 2 tàu Surveyor-2 và Surveyor-4 đã gặp thất bại ở giai đoạn cuối và bị phá hủy khi đâm xuống Mặt Trăng. 5 tàu còn lại đều hạ cán thành công như kế hoạch. Cho đến nay, các tàu Surveyor đều đang còn ở trên Mặt Trăng, chỉ có một phần của Surveyor-3 được phi hành đoàn Apollo-12 mang về Trái Đất.
Tàu Surveyor-3.
Các tàu Surveyor có hình dạng giống như chiếc giá với 3 chân, trên đó triển khai các thiết bị, máy móc. Tàu vũ trụ cao khoảng 3,3m, tính từ giữa ra đến đầu mút của mỗi chân dài khoảng 4,3m. Năng lượng để duy trì hoạt động chủ yếu được cung cấp từ một một tấm pin mặt trời rộng 0,855 mét vuông, công suất khoảng 85 watt. Các tàu Surveyor được phóng đến Mặt Trăng bằng hệ thống tên lửa Atlas-Centaur. Trong quá trình đổ bộ, tên lửa hãm được khởi động cho đến khi tàu vũ trụ chỉ còn cách bề mặt khoảng 3,5 mét. Tại độ cao này, tên lửa hãm tắt và Surveyor sẽ rơi tự do xuống Mặt Trăng. Các trình quan sát, phân tích sẽ được tiến hành ngay sau khi hạ cánh mềm thành công.
Nhiệm vụ cuối cùng trong chương trình Surveyor được tiến hành vào đầu năm 1968. Ngày 07/01, Surveyor-7 được phóng về phía Mặt Trăng. So với các tàu trước đó, Surveyor-7 mang theo nhiều thiết bị quan sát, phân tích hơn và không thực hiện các nghiên cứu về hoạt động của động cơ phản lực trên Mặt Trăng như Surveyor-5, 6. Ngày 10/01/1968, Surveyor-7 đã hạ cánh thành công xuống khu vực phía tây nam Mặt Trăng, ở ngay rìa bên ngoài của khu vực Tycho. Mọi việc đều diễn ra đúng kế hoạch, tàu đổ bộ đã hoạt động hiệu quả cho đến khi được tắt đi vào ngày 26/01/1968, kết thúc ngày làm việc thứ nhất trên Mặt Trăng (26/01/1968). Ngày 12/02, Surveyor-7 lại được bật lên và tiếp tục làm việc cho đến ngày 20/02. Các mục tiêu đặt ra cho nhiệm vụ đều được hoàn thành. Surveyor-7 đã khép lại thành công chương trình phóng tàu đổ bộ tự động chuẩn bị cho con người đặt chân xuống Mặt Trăng trong những năm 1960 của Hoa Kỳ.
- 16/11/1945 - Ký kết Công ước thành lập của UNESCO
- 14/11/1967 - Tia laser đầu tiên trên thế giới đượ đăng ký bằng sáng chế