3 lần diễn tập phóng thất bại, tên lửa Mặt trăng mới của NASA "bị trả về nơi sản xuất"

Tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion là thành phần cốt lõi của sứ mệnh Artemis để đưa phi hành gia Mỹ quay trở lại Mặt Trăng.

Do ba lần diễn tập phóng thất bại, tên lửa Mặt Trăng thế hệ mới của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với tên gọi "Hệ thống Phóng Không gian" (SLS) sẽ được đưa ra khỏi bệ phóng và chuyển trở lại tòa nhà lắp ráp tổng thể để tiến hành kiểm tra và sửa chữa. Các kế hoạch diễn tập và phóng tên lửa trong tương lai vẫn chưa được quyết định.

Diễn tập phóng thất bại

Theo hãng tin CNN, NASA đã công bố thông tin diễn tập phóng tên lửa thất bại trong một cuộc họp báo vào ngày 18/4. Tên lửa SLS cao tương đương một tòa nhà 30 tầng và hiện đang đặt tại bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). Dự kiến tên lửa SLS với tàu vũ trụ Orion bên trên sẽ được vận chuyển trở lại tòa nhà lắp ráp tổng thể cách đó 6,5 km vào ngày 26/4.

Tên lửa SLS đã được đưa đến bệ phóng từ tòa nhà lắp ráp tổng thể khoảng một tháng trước. Tuy nhiên, ba lần diễn tập phóng kể từ ngày 1/4 đã bị gián đoạn do trục trặc kỹ thuật.

Trong cuộc diễn tập phóng tên lửa mới nhất vào ngày 14/4, các nhân viên tiếp nhiên liệu hydro lỏng nhiệt độ thấp và oxy lỏng cho tầng lõi của tên lửa, và nhanh chóng nhận thấy hydro lỏng bị rò rỉ, khiến cho cuộc diễn tập đã bị gián đoạn.

Hai lần diễn tập phóng trước đó cũng không thể hoàn thành do lỗi quạt và van.


Tên lửa Mặt Trăng thế hệ mới của NASA với tên gọi "Hệ thống Phóng Không gian" (SLS). (Ảnh: Sina)

Tên lửa chờ sửa chữa

Theo tờ New York Times, các quan chức NASA ban đầu nói rằng ngay cả khi tên lửa SLS được đặt trên bệ phóng, vấn đề rò rỉ hydro lỏng vẫn có thể được giải quyết.

Nhưng theo CNN, tên lửa SLS sẽ được vận chuyển trở lại tòa nhà lắp ráp tổng thể, nơi các kỹ thuật viên có thể đánh giá mức độ rò rỉ hydro lỏng và thay thế các van bị lỗi trong các cuộc diễn tập phóng trước đó. Tại đó, tên lửa SLS cũng sẽ được nâng cấp hệ thống cung cấp khí nitơ.

Tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày hôm đó, Tom Whitmeyer - Phó Giám đốc phụ trách phát triển hệ thống thăm dò tại NASA - nói rằng, quá trình chuẩn bị cho một tên lửa và tàu vũ trụ mới "thực sự phức tạp".

Ông Whitmeyer cho biết, đối với các vấn đề nảy sinh trong các cuộc diễn tập phóng tên lửa, các nhân viên NASA đang làm việc chăm chỉ để "ghép tất cả các mảnh ghép", một số vấn đề đã được phát hiện và còn nhiều "mảnh ghép" khác đang chờ được ghép lại.

Chưa định ngày cụ thể

NASA hiện đang đánh giá cách tên lửa SLS được triển khai sau khi nó được sửa chữa.

Ông Whitmeyer cho biết, chắc chắn sẽ có một cuộc diễn tập phóng tên lửa khác.

Charlie Blackwell-Thompson - Giám đốc khởi động của sứ mệnh Artemis, người đã tham dự cuộc họp báo ngày hôm đó - nói rằng, thực tế có nhiều lựa chọn khác nhau, bao gồm việc sửa chữa nhanh rồi tiến hành diễn tập phóng, sửa chữa toàn diện hơn để đáp ứng các yêu cầu phóng thực tế, hoặc triển khai cùng lúc các cuộc diễn tập phóng và phóng thực tế.

NASA ban đầu dự định, sau khi diễn tập phóng thành công vào tháng 4, sẽ khởi động sứ mệnh Artemis 1 trong khung thời gian từ ngày 6 đến 16/6. Khi đó, tên lửa SLS sẽ phóng tàu vũ trụ Orion vào không gian để thực hiện nhiệm vụ bay thử vòng quanh Mặt Trăng không người lái.

Vì tên lửa SLS sẽ được đưa trở lại tòa nhà lắp ráp tổng thể để tiến hành sửa chữa vào tuần tới, nhiệm vụ bay thử này rất có thể sẽ bị trì hoãn, và chỉ có thể thực hiện trong hai khung thời gian còn lại từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8.

Tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion là thành phần cốt lõi của sứ mệnh Artemis để Mỹ quay trở lại Mặt Trăng. Theo kế hoạch, tên lửa SLS sẽ thực hiện nhiệm vụ bay vòng quanh Mặt Trăng có người lái sớm nhất là vào năm 2024, và đưa các phi hành gia Mỹ đặt chân trở lại Mặt Trăng vào năm 2025.

Kể từ khi kế hoạch chi tiết được công bố vào năm 2019, sứ mệnh đã bị trì hoãn và vượt quá ngân sách hàng tỷ USD.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Chòm sao Thiên Nga (Cygnus)

Chòm sao Thiên Nga (Cygnus)

Trong dải Ngân hà có một chòm sao trông tựa như một con ngỗng trời đang vươn thẳng cảnh bay. Đó là chòm sao Thiên nga. Chòm sao này  cùng với chòm sao Thiên ưng và Thiên cầm hai bên bờ Ng&acir

Đăng ngày: 20/04/2025
Những sự thật thú vị về vũ trụ có thể bạn chưa biết

Những sự thật thú vị về vũ trụ có thể bạn chưa biết

Cho tới nay, thế giới vũ trụ rộng lớn vẫn còn là chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết.

Đăng ngày: 17/04/2025
Tên lửa hoạt động như thế nào trong không gian?

Tên lửa hoạt động như thế nào trong không gian?

Trên thực tế, ở không gian vũ trụ không có không khí, vậy làm thế nào tên lửa có thể đốt cháy động cơ và nhiên liệu thiết yếu cần có trong không gian?

Đăng ngày: 16/04/2025
10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ

10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ

Lỗ đen có kích thước tương đương hạt nhân nguyên tử, thiên hà "ăn thịt", những hạt vật chất có khả năng đâm xuyên qua lớp chì dày hàng chục km chỉ là vài trong số những phát hiện gây sốc nhất về không gian bên ngoài trái đất.

Đăng ngày: 16/04/2025
Sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời!

Sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời!

Liệu nên sống ở Mặt trăng hay sao Hỏa nếu con người cần di chuyển đến một nơi ở khác ngoài Trái đất?

Đăng ngày: 15/04/2025
Các hành tinh trong Hệ Mặt trời

Các hành tinh trong Hệ Mặt trời

Hệ Mặt trời (hay Thái Dương Hệ) là hệ hành tinh gồm có Mặt Trời ở trung tâm và các vật quay xung quanh.

Đăng ngày: 12/04/2025
Tổng quan về sao Hỏa

Tổng quan về sao Hỏa

Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh, là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Đôi khi hành tinh này còn được gọi tên là Hỏa Tinh.

Đăng ngày: 11/04/2025
Tiêu điểm
Khoa Học News