'Bóng ma nhảy múa cách xa 1 tỷ năm ánh sáng
Các nhà thiên văn học phát hiện đám mây electron khổng lồ giống như những bóng ma đang nhảy múa xung quanh hai thiên hà xa xôi.
Theo báo cáo từ Đại học Western Sydney và cơ quan khoa học quốc gia CSIRO của Australia, đám mây khổng lồ được đặt tên là PKS 2130-538 xuất phát từ cặp hố đen siêu khối lượng nằm ở trung tâm của hai thiên hà chủ.
Hệ thống PKS 2130-538 quan sát bởi kính thiên văn ASKAP. (Ảnh: Đại học Western Sydney/CSIRO).
Hệ thống này nằm cách chúng ta tới một tỷ năm ánh sáng. Nó được phát hiện thông qua dự án Bản đồ Tiến hóa của Vũ trụ (EMU), bằng cách sử dụng kính thiên văn mới ASKAP do CSIRO vận hành. Với tốc độ khảo sát cực cao, ASKAP là một trong những công cụ tốt nhất để phân tích các nguồn vô tuyến mờ nhạt trong không gian và lập bản đồ bầu trời.
"Khi lần đầu tiên nhìn thấy những bóng ma nhảy múa, chúng tôi không biết chúng là gì. Sau nhiều tuần làm việc, nhóm nhận ra rằng PKS 2130-538 thực chất là những đám mây electron phun ra từ hai hố đen siêu lớn, sau đó bị uốn cong thành hình thù kỳ dị bởi một cơn gió sao thổi giữa hai thiên hà chủ", CSIRO giải thích.
Những khám phá mới luôn đặt ra những câu hỏi mới và phát hiện này cũng không phải ngoại lệ. Nhóm nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ điều gì đã gây ra hai luồng phát xạ vô tuyến mạnh mẽ như vậy, cũng như kích thước của chúng lớn đến đâu và gió sao đến từ đâu. "Sẽ cần thêm nhiều quan sát và mô phỏng hơn nữa để tìm ra câu trả lời", CSIRO nói thêm.
Với sự tham gia của 400 nhà nghiên cứu, EMU là một dự án thiên văn đầy tham vọng, với mục đích khám phá những bí ẩn nơi không gian sâu thẳm. Cuộc khảo sát sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới và tập trung phân tích hàng trăm nghìn nguồn phát hiện vô tuyến mờ nhạt trong vũ trụ.
- Thiên thạch màu xanh làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ
- Phát hiện siêu hành tinh gấp 1.320 lần Trái đất nhưng... hỏng nặng
- Biển "địa ngục" đang lan rộng ở Mỹ, sinh vật bơi vào là chết