'Mặt trời nhân tạo' của Trung Quốc lập kỷ lục mới, duy trì plasma nóng tới 70 triệu độ C trong hơn 1.000 giây
Trong thí nghiệm hôm 30/12/2021, lò phản ứng Tokamak siêu dẫn của Trung Quốc đã duy trì plasma nóng tới 70 triệu độ C trong hơn 1.000 giây.
Đây là thời gian duy trì liên tục plasma siêu nóng lâu nhất so với tất cả các lò phản ứng Tokamak trên thế giới, nhà nghiên cứu Gong Xianzu tại Viện Vật lý Plasma thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (ASIPP), người phụ trách thí nghiệm, nhấn mạnh.
"Trong một thí nghiệm hồi giữa năm 2021, chúng tôi đã đạt được nhiệt độ plasma kỷ lục lên tới 120 triệu độ C trong 101 giây. Lần này, plasma được duy trì ổn định hơn ở nhiệt độ gần 70 triệu độ C trong 1.056 giây, tạo ra nền tảng khoa học vững chắc để tiến tới vận hành một lò phản ứng nhiệt hạch quy mô công nghiệp", Xianzu cho biết trong một tuyên bố vào hôm qua.
Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Lò phản ứng Tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST), còn gọi là "mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc, nằm ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Nó được thiết kế để mô phỏng phản ứng nhiệt hạch giống như Mặt Trời, sử dụng khí hydro và deuteri làm nhiên liệu. Thiết bị sẽ hỗ trợ nghiên cứu vật lý plasma để thiết lập các lò phản ứng quy mô lớn, nhằm tạo ra năng lượng sạch gần như vô hạn, theo Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC).
Năng lượng nhiệt hạch được coi là "năng lượng lý tưởng nhất" cho một tương lai trung hòa carbon vì nó không phát thải khí nhà kính, bên cạnh đó nguồn nhiên liệu từ hydro và deuteri có rất nhiều trong đại dương.
Giờ đây, EAST đã hoàn thành cả ba mục tiêu riêng biệt là đạt dòng điện một triệu ampe, thời lượng duy trì plasma siêu nóng trên 1.000 giây và nhiệt độ trên 100 triệu độ C. Nhiệm vụ cuối cùng là đạt cùng lúc ba mục tiêu đó trong một lần thử nghiệm.
Những thành tích ấn tượng của EAST đã đứng đầu trong danh sách 10 tin tức khoa học công nghệ năm 2021 của Trung Quốc do tập đoàn truyền thông China Media Group bình chọn.