4 lý do vì sao Phần Lan có nền giáo dục tốt nhất thế giới
Phần Lan là một quốc gia sáng tạo khi xét về nền giáo dục. Phần Lan liên tục là một trong những nước phát triển đạt kết quả tốt nhất theo Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế (PISA), một công cụ quan trọng để đánh giá các hệ thống giáo dục trên toàn cầu.
Trang Business Insider đã phân tích một số cách làm khác biệt – và tốt hơn so với Mỹ – mà Phần Lan đã thực hiện đối với nền giáo dục của mình.
Chỉ có 1 bài kiểm tra
Học sinh Phần Lan chỉ làm một bài kiểm tra chuẩn trong suốt cả kỳ học tiểu học và trung học. Ngược lại, ở Mỹ, nhà trường yêu cầu các học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 phải trải qua các kỳ thi hằng năm để theo dõi tình hình học tập của các em. Các nhà phê bình cho rằng những kỳ kiểm tra liên tục không giúp học sinh thông minh hơn, thay vào đó lại tạo ra một môi trường "dạy chỉ để thi" tại các trường học.
Học sinh Phần Lan chỉ làm một bài kiểm tra chuẩn trong suốt cả kỳ học tiểu học và trung học.
Karen Magee, chủ tịch liên hiệp các giáo viên lớn nhất tại Mỹ, gần đây đã lên tiếng thúc giục các bậc phụ huynh tẩy chay các bài kiểm tra.
Bài kiểm tra của Phần Lan, gọi là Kỳ thi tuyển sinh quốc gia, được thực hiện vào cuối lớp học ở trường trung học và do các giáo viên tiến hành chấm điểm, chứ không phải máy tính. Giáo sư Pasi Sahlberg, cựu bộ trưởng của Bộ Giáo dục Phần Lan giải thích, kỳ thi cũng không né tránh các chủ đề phức tạp hay gây tranh cãi. Sau đây là một số dạng câu hỏi trong kỳ thi này:
- Các khái niệm hạnh phúc, cuộc sống tốt đẹp và giàu có được hiểu như thế nào?
- Karl Marx và Friedrich Engels từng dự đoán rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên sẽ xảy ra ở các nước như Vương quốc Anh. Điều gì khiến Marx và Engels nghĩ thế và tại sao cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa lại xảy ra ở Nga?
Sahlberg cho biết: "Các học sinh thường được yêu cầu thể hiện năng lực của họ để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển, tiến hóa, mất việc, ăn kiêng, các vấn đề chính trị, bạo lực, chiến tranh, đạo đức trong thể thao, thực phẩm, tình dục, thuốc và âm nhạc. Những vấn đề đó trải rộng qua nhiều lĩnh vực, chủ đề và thường yêu cầu học sinh phải có nhiều kỹ năng và kiến thức".
Dành nhiều thời gian hơn để chơi
Theo Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), học sinh ở Phần Lan dành tương đối ít thời gian để làm bài tập về nhà. Một nghiên cứu năm 2014 về các học sinh 15 tuổi trên toàn thế giới do OECD thực hiện cho thấy, trung bình các học sinh Phần Lan dành 2,8 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà. Điều này trái ngược hẳn với học sinh Mỹ khi dành 6,1 giờ/ tuần để học ở nhà.
Luật pháp Phần Lan quy định cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn. Trong khi tại Mỹ, trẻ chỉ có chưa đến nửa giờ mỗi ngày để chơi tại lớp. Theo giáo sư nghiên cứu và là nhà tâm lý học Peter Gray, việc "thâm hụt thời gian chơi" của học sinh Mỹ có thể dẫn đến các vấn đề lo lắng và ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.
Luật pháp Phần Lan quy định cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn, và so sánh với Mỹ.
Học đại học miễn phí
Tại Phần Lan, không chỉ học cử nhân được hoàn toàn miễn phí, mà học thạc sỹ và tiến sỹ cũng là những chương trình học miễn phí. Các sinh viên có thể theo đuổi mục tiêu học tập cao hơn mà không phải gánh những núi nợ trên vai như nhiều sinh viên Mỹ đang đối mặt. Mọi học sinh đều được học miễn phí sau khi được chấp nhận vào học một chương trình đại học ở Phần Lan.
Giáo viên là nghề cao quý nhất
Tại Phần Lan, dạy học là một trong những nghề cao quý nhất với các điều kiện đầu vào tương đối cao. Theo Trung tâm Center on International Education Benchmarking (CIEB), chỉ 1/10 các sinh viên nộp đơn vào chương trình đào tạo giáo viên được chấp nhận.
Các giáo viên ở Phần Lan được đối xử như các giáo sư ở trường đại học, mỗi ngày số giờ dạy của họ ít hơn so với các giáo viên Mỹ, và dành nhiều thời gian hơn để soạn bài, lên kế hoạch cho các bài học.
Giáo viên ở Phần Lan có thu nhập cao hơn một chút so với các giáo viên ở Mỹ. Giáo viên Mỹ có thu nhập 41.000 USD/năm còn ở Phần Lan là 43.000 USD/năm, theo số liệu của OECD.
Số giờ dạy của các giáo viên trên các nước theo số liệu năm 2012 của OECD.
Và dù giáo viên ở Mỹ thu nhập ít hơn so với các nước khác, song OECD nhận ra họ làm việc nhiều giờ nhất.
Theo Business Insider, thật dễ hiểu tại sao các giáo viên Mỹ – những người phải làm việc nhiều và nhận được sự tôn trọng tương đối ít – lại không hiệu quả như các giáo viên ở Phần Lan.