60 xác ướp Ai Cập cổ chôn giấu bí mật chết chóc đáng sợ
Hơn 4.000 năm trước tại Ai Cập, hàng chục người chết vì các vết thương khủng khiếp được ướp xác và "nhốt" chung trong vách đá gần tỉnh Luxor. Hình thức chôn tập thể hiếm khi xảy ra ở thời Ai Cập cổ đại và người ta tò mò về lý do các xác ướp được chôn chung.
Theo Live Science, các nhà khảo cổ gần đây tới tìm hiểu về lăng mộ các chiến binh bí ẩn ở địa danh lịch sử Deir el Bahari, nằm ở bờ tây sông Nile, Ai Cập.
Bàn chân của xác ướp chiến binh tìm thấy trong lăng mộ ở địa danh lịch sử Deir el Bahari.
Lăng mộ được niêm phong ngay sau khi phát hiện năm 1923. Quá trình phân tích mẫu vật trong lăng mộ và một số khu vực khác ở Ai Cập hé lộ một chương tuyệt vọng, đẫm máu trong lịch sử Ai Cập dưới thời vương quốc cổ đại khoảng năm 2150 trước Công nguyên.
Kết quả nghiên cứu, xuất hiện trong bộ phim tài liệu với tựa đề "Bí mật của cái chết: Giờ đen tối nhất lịch sử Ai Cập", vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tình trạng bất ổn dân sự châm ngòi cho cuộc chiến đẫm máu nhất giữa những người đứng đầu khu vực cách đây 4.200 năm. Một trong số các cuộc chiến lấy đi mạng sống của khoảng 60 người và thi thể họ được ướp xác và chôn tập thể trong lăng mộ các chiến binh.
Nhà khảo cổ Salima Ikram đang xem xét hình ảnh hộp sọ của xác ướp được tìm thấy trong lăng mộ.
Nhà khảo cổ học Salima Ikram, giáo sư ngành Ai Cập học tại đại học Mỹ ở Cairo, nghiên cứu kỹ lưỡng các xác ướp cùng một đoàn quay phim hồi cuối tháng 9/2018. Theo Davina Bristow, giám đốc kiêm nhà sản xuất phim tài liệu, cho biết nghiên cứu còn có sự hỗ trợ của Bộ Cổ vật Ai Cập và các chuyên gia địa phương.
Ngay lối vào lăng mộ, một mê cung gồm nhiều đường hầm lớn phân nhánh dài khoảng 61 mét ăn sâu vào vách đá. Căn phòng bên trong lăng mộ chứa đầy các phần thi thể được ướp xác, quấn kín băng, nhà khảo cổ Ikram cho biết.
Toàn bộ xác chết đều là đàn ông và nhiều dấu hiệu cho thấy họ bị chấn thương khủng khiếp. Phần đầu bị đập vỡ hoặc đâm thủng có thể là kết quả của vũ khí sắc nhọn sát thương. Nhiều mũi tên găm vào xác ướp cho thấy đây đều là các chiến binh tử trận. Một trong các xác ướp thậm chí còn có găng tay bảo vệ, thứ mà các cung thủ hay dùng.
"Những người này chết rất thê thảm và đáng sợ", bà Ikram nói.
Bằng chứng từ một số nơi khác ở Ai Cập cho thấy các binh sĩ này chết trong thời kỳ xã hội Ai Cập biến động mạnh.
Philippe Collombert, nhà Ai Cập học tại đại học Geneva, Thụy Sĩ, cho biết vài bằng chứng nằm trong lăng mộ của pharaoh Pepi II, người trị vì suốt 90 năm.
Lối vào lăng mộ pharaoh Pepi II.
Lăng mộ của pharaoh Pepi II, ở khu nghĩa trang Saqqara, tỉnh Giza, Ai Cập, được trang trí công phu và ngoạn mục. Nó được xây khi vị pharaoh này còn trẻ và điều này cho thấy vương quốc thời kỳ đó chưa có dấu hiệu sụp đổ, theo Collombert.
Tuy nhiên, lăng mộ vua Pepi II bị cướp ngay sau khi pharaoh này được chôn cất. Chuyên gia Collombert cho rằng hành động bất kính như vậy chỉ xảy ra tại Ai Cập nếu người Ai Cập không còn tôn trọng vị thế thần thánh của vị pharaoh này và chính quyền không còn nắm quyền kiểm soát.
Antonio Morales, nhà Ai Cập học tại đại học Alcalá, Tây Ban Nha, cho biết những dòng chữ trong mộ của người đứng đầu một địa phương dưới thời vua Pepi II ám chỉ cuộc xung đột giữa các phe phái, bất ổn xã hội, nội chiến và thiếu sự kiểm soát của chính quyền gây ra hỗn loạn.
Nạn đói do hạn hán càng khiến sự sụp đổ của xã hội dưới thời vua Pepi II diễn ra nhanh hơn. Một đoạn ký tự khác trong lăng mộ còn diễn ra cảnh kinh hoàng khi "người lớn giết hại và ăn thịt trẻ con vì quá đói".
Cũng chính nạn đói và sự bất ổn là nguyên nhân dẫn tới trận chiến điên cuồng khiến 60 người đàn ông giết hại lẫn nhau bằng những vết thương ghê rợn.