9 điều lạ lùng khi lây hành vi của người khác
Thấy một người gãi ngứa hay ngáp, bạn cũng muốn làm theo. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc lây hành vi này do xuất hiện cảm giác tâm lý "ám ảnh".
Cảm lạnh, cúm, thậm chí ngáp ngủ dễ lây lan. Một số cảm xúc bất ngờ, hành vi tốt hay xấu cũng có thể lan truyền với người khác, ngay cả việc ngửi mùi hương hay ngôn ngữ cơ thể, nét mặt...
1. Căng thẳng
Nghiên cứu tháng 3/2012 của tổ chức Social Neuroscience cho thấy khi nhìn một người nào đó đang lo lắng có thể làm cơ thể bạn gia tăng lượng cortisol, một hormone gây ra sự căng thẳng.
Một nghiên cứu khác thực hiện bởi giáo sư tiến sĩ Lilianne Mujica R.-Parodi, khoa Kỹ thuật y sinh tại ĐH Stony Brook, New York cùng ghi nhận, nhìn chung mọi người đều có xu hướng trở nên cảnh giác hơn khi tiếp xúc với mùi mồ hôi xuất ra từ một người đang căng thẳng. Phản ứng này có thể giúp bạn phòng ngừa những nguy hiểm tiềm tàng.
2. Các mục tiêu
Bạn có bao giờ ngạc nhiên khi thấy một đứa trẻ quan tâm đến món đồ chơi của các bạn khác? Đặc điểm tâm lý này được lý giải trong một nghiên cứu năm 2012: Mọi người thường cảm thấy mục tiêu của người khác là đáng ngưỡng mộ. Vì thế tâm lý ai cũng muốn có được cái người bên cạnh đang sở hữu.
Tiến sĩ Mathias Passiglione, nhà tâm lý học dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Viện Não và Cột sống, Bệnh viện Pitié-Salpêtrière Paris, Pháp, nói: "Đặc điểm tâm lý lây lan trên là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên cần hiểu rằng nếu không tự mình cố gắng thực hiện mục tiêu đặt ra mà chỉ chăm chăm chiếm đoạt của người khác thì đó là việc làm mạo hiểm và tốn thời gian".
3. Cô đơn
Nghe có vẻ lạ lẫm, song thực tế bạn có thể bị lây nhiễm cảm giác cô đơn từ người khác, từ đó rơi vào trạng thái bị cô lập. Cô đơn khiến người ta trở nên tiêu cực hơn, dễ cáu kỉnh và luôn tạo tư thế phòng thủ. Đặc điểm này có thể bảo vệ bạn nếu đang ở trong một môi trường không an toàn. Cảm giác cô đơn lâu ngày khiến bạn đối xử tệ với những người xung quanh. Những người bị "lây" từ bạn sau đó sẽ làm tương tự với những người khác. Chu kỳ đó cứ thế tiếp tục.
"Nhận thức được những hiệu ứng tiêu cực như thế giúp bạn kiềm chế hành vi và cảm xúc tiêu cực khi giao tiếp, tránh bị mọi người xa lánh", giáo sư tiến sĩ John T. Cacioppo, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh và Nhận thức xã hội, ĐH Chicago, nói.
Ảnh minh họa: News
4. Cảm giác sợ hãi
Sự sợ hãi có thể lây lan nhanh chóng trong đám đông mà không có lý do rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra manh mối giải thích tại sao điều này có thể xảy ra: Những người tham gia cuộc nghiên cứu ngửi mùi mồ hôi của một người sợ hãi, họ cũng có biểu hiện sợ hãi và cảnh giác hơn. Điều đó cho thấy họ bị lây cảm giác sợ hãi từ người khác. Trong nhiều trường hợp, đặc điểm này có thể giúp ích cho con người bằng cách truyền đi thông tin về các mối đe dọa đang đến trong cộng đồng.
5. Cảm giác kinh tởm
Pheromones - một tín hiệu hóa học trong con người vô tình tiết ra khi ta có cảm giác ghê tởm. Tín hiệu này cũng truyền sang người khác giống như cơ chế lan truyền sợ hãi. Những người tham gia nghiên cứu có xu hướng cự tuyệt và nín thở khi ngửi mùi mồ hôi và cảm giác ghê tởm này nhanh chóng lan sang những cá nhân khác. Các nhà nghiên cứu cho biết phản ứng phòng thủ như thế giúp con người hạn chế tối đa tiếp xúc với mùi hôi, hóa chất độc hại trong không khí.
6. Niềm vui
Thực tế bạn dễ bị lây cảm xúc vui vẻ từ người khác mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp với họ. Một nghiên cứu công bố năm 2013 trên Tạp chí Public Library of Science, PLoS ONE, kết luận rằng mọi người có thể cảm nhận hạnh phúc bằng cách quan sát người khác vui vẻ.
"Cảm xúc của chúng ta có thể nhanh chóng được truyền cho người khác một cách tinh tế, ngay cả khi không có chủ ý", tiến sĩ Guillaume Dezecache, ĐH St Andrews ở Fife, Scotland cho biết. Theo ông, nếu biết tận dụng đặc điểm tâm lý này, chúng có thể tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng. Ví dụ, thái độ vui vẻ của một nhân viên có thể lan truyền hòa khí và làm giảm xung đột tại nơi làm việc.
7. Suy nghĩ tiêu cực
Không chỉ tâm trạng và cảm xúc mới lan truyền mà còn cả cách suy nghĩ cũng lây lan. Cơ chế này cũng giống như xu hướng mọi người cảm nhận được những tình huống tồi tệ đang đến.
Nghiên cứu gần đây cho thấy tân sinh viên đại học thường có cách suy nghĩ giống những người bạn cùng phòng. “Ở với một người bạn cùng phòng có suy nghĩ tích cực thì bạn sẽ phát triển một cách suy nghĩ tốt đẹp hơn. Ngược lại bạn sẽ có suy nghĩ xấu hơn khi sống cùng những người tiêu cực", Phó giáo sư Tiến sĩ Gerald Haeffel, ĐH Notre Dame ở South Bend, Indiana, Mỹ, cho biết.
Lý giải điều này, ông cho rằng khi ở chung với nhau, ta sẽ vô tình bắt chước hành vi của người khác mà không hề có chủ đích. "Hãy nhớ rằng quan điểm của bạn bị ảnh hưởng bởi những người bạn thân quen và tâm lý của bạn cũng ảnh hưởng đến họ. Do đó hãy thay đổi bản thân nếu bạn là người tiêu cực trong nhóm", Gerald Haeffel nói.
8. Khó thở
Hãy nhìn đi chỗ khác khi bạn phát hiện một chàng trai tại phòng tập thể dục với gò má nhô cao và một khuôn mặt đỏ ửng đang thở hổn hển. Nghiên cứu năm 2012 của tổ chức Respiratory Physiology & Neurobiology khẳng định việc nhìn một người thở gấp làm cho bạn cảm thấy khó thở và đẩy nhanh nhịp thở.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng cảm giác khó thở có khả năng liên quan với sự đồng cảm. Nhịp thở của con người là vấn đề về vật lý nhưng nó cũng là một phần của trải nghiệm cảm xúc. Cơ chế này xảy ra không phải vì bạn cảm thấy đồng cảm với đối phương mà chỉ là một phản xạ lây lan từ những gì đối phương đang gặp phải.
9. Ngứa ngáy
Tại sao khi thấy một người gãi ngứa, bạn cũng muốn đưa tay lên gãi đầu hoặc một số bộ phận khác của cơ thể? Thực tế, việc nhìn một người nào đó gãi làm cho người ta cảm thấy ngứa và nhiều khả năng sẽ gãi theo.
Báo cáo nghiên cứu năm 2012 đăng trong kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ khẳng định: Khi nhìn thấy một người nào đó gãi ngứa sẽ kích hoạt một vùng của não liên quan đến nhận thức vật lý về việc bị ngứa. Đây có lẽ là khuynh hướng đồng cảm. Vì vậy, nếu không muốn người khác nghĩ rằng bạn đang phát ban, hãy đảo mắt đi khi thấy ai đó gãi nhé.