9 gương mặt chưa đầy 18 tuổi đang hứa hẹn thay đổi cả thế giới
Những cô cậu bé chưa đầy 18 tuổi đang làm kinh ngạc cả thế giới với phát minh chống lại đại dịch Ebola, chữa ung thư hay giải quyết khủng hoảng lương thực.
Những gương mặt trẻ sẽ làm thay đổi bộ mặt thế giới trong tương lai
Hội chợ Khoa học là sự kiện thường niên của Google, và năm nay là lần thứ 5 chứng kiến sự tỏa sáng của rất nhiều tài năng trẻ. Điều đáng mừng là sau 5 năm tổ chức, con số thí sinh tham dự và lọt vào vòng chung kết ngày một tăng, đi đôi với chất lượng các phát minh khoa học cũng ngày càng được nâng cao. Điều đặc biệt nhất của Hội chợ Khoa học năm nay là sự có mặt của Ahmed Mohamed, cái tên đang “nổi như cồn” trên toàn thế giới. Cậu bé 14 tuổi tài năng này được Google mời tới như một vị khách danh dự.
Trưởng ban tổ chức Hội chợ Khoa học Google – bà Mariette DiChristina – tự hào phát biểu: “Hỗ trợ và khuyến khích các tài năng khoa học trẻ là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Tại đây, các em sẽ có cơ hội khám phá và làm cả thế giới kinh ngạc bằng những phát minh khoa học giá trị”.
1. Olivia Hallisey, 16 tuổi: Phương pháp xét nghiệm nhanh virus Ebola
Cô bé 16 tuổi người Mỹ này là tác giả của phương pháp mới nhất giúp phát hiện virus Ebola chỉ trong vòng 30 phút, với chi phí 25 USD. Phát minh này đã giành được giải thưởng lớn nhất là học bổng trị giá 50.000 USD tại Hội chợ Khoa học Google. Phương pháp phát hiện Ebola hiện tại chỉ mất 1 USD chi phí nhưng lại yêu cầu thiết bị phức tạp và cần tới 12 giờ để chẩn đoán bệnh. Cô bé cũng cho biết, theo ước tính, việc chẩn đoán và điều trị Ebola sớm có thể giảm tỉ lệ tử vong do virus này từ 90% xuống còn 50%.
2. Anurudh Ganesan, 15 tuổi: Phương pháp vận chuyển vaccine kiểu mới
Một phương pháp vận chuyển vaccine mới nhất cũng đã đoạt giải tại Hội chợ Khoa học năm nay. Đó là sản phẩm của cậu bé Anurudh Ganesan. Hiện tại, người vận chuyển vaccine thường phải rất vất vả để đáp ứng mọi điều kiện ngặt nghèo như nhiệt độ, độ ẩm… nhằm bảo quản vaccine luôn ở tình trạng tốt nhất. Tuy nhiên, các địa điểm cần vaccine thường rất xa xôi, nên các biện pháp bảo quản lạnh đều không ăn thua. Chính điều này khiến Ganesan nảy ra ý tưởng làm lạnh nhờ hơi nén hết sức đơn giản. Chỉ cần lực tác động rất nhỏ cũng khiến hệ thống này hoạt động, giúp tiết kiệm nhân lực tối đa.
3. Eliott Sarrey, 14 tuổi: Robot làm vườn
Cậu bé người Pháp Eliott Sarrey cũng giành giải cao nhờ sáng chế robot làm vườn Bot2Karot của mình. Ý tưởng tìm đến khi Sarrey muốn tìm cách trồng trọt tốn ít thời gian và công sức nhất. Cuối cùng, nhờ thiết kế robot làm vườn điều khiển bằng smartphone, cậu đã đoạt giải thưởng 10.000 USD từ Hội chợ Khoa học lần này. Đặc biệt, dự án của cậu được Google nhận bảo trợ lâu dài. Niềm ham thích nông nghiệp của cậu bé này vẫn luôn cháy bỏng khi trong tương lai, cậu còn muốn chế tạo một mô hình chuồng gà tự động.
4. Kenneth Shinozuka, 15 tuổi: Phương pháp hỗ trợ bệnh nhân Alzheimer
Vào năm 2014, cậu bé 15 tuổi Kenneth Shinozuka đã gây nhiều chú ý khi giới thiệu một phương pháp hỗ trợ chăm sóc người bệnh Alzheimer hiệu quả, giúp bệnh nhân không thức dậy và đi lạc vào ban đêm. Lo lắng vì ông nội mình - vốn mắc chứng Alzheimer - thường vô thức ra khỏi nhà vào buổi đêm, cậu bé Shinozuka đã thiết kế hệ thống báo hiệu tự động trên smartphone của người thân, nhằm báo cho họ biết mỗi lần bệnh nhân ra khỏi giường. Ngoài Google, đích thân Tổng thống Obama cũng đã trân trọng trao thưởng cho phát minh này của Shinozuka tại Hội chợ Khoa học hồi tháng 3/2015 của Nhà Trắng.
5. Ciara Judge, Sophie Healy-Thow và Emer Hickey, 16-17 tuổi: Phương pháp trồng trọt nhờ vi khuẩn
Vào năm ngoái, 3 cô bé tuổi teen từ Ireland đã đoạt giải thưởng lớn của Google khi có sáng kiến trồng trọt nhờ… vi khuẩn, phương pháp hết sức tiềm năng nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay. Nhóm bạn trẻ tuổi này đã dành tới 1 năm để nghiên cứu và chứng minh vai trò của các loại vi khuẩn có lợi trong việc thúc đẩy sự phát triển của các loại hạt giống canh tác.
6. Girish Kumar, 17 tuổi: Hệ thống câu hỏi giáo dục tự động
Hệ thống câu hỏi tự động RevUP thuộc lĩnh vực giáo dục đã mang về cho Girish Kumar giải thưởng đáng tự hào của Google. Cậu bé người Singapore này đã lập trình và phát triển thành công phần mềm RevUP, một hệ thống chọn lọc thông tin từ các trang web giáo dục chính thống để tạo lập nhiều bộ câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Kumar đã giành được học bổng trị giá 25.000 USD của Google cùng 1 năm học hỏi tại công ty công nghệ này.
7. Eric Chen, 17 tuổi: Phương pháp phòng tránh và chữa trị bệnh cúm
Eric Chen đã chiến thắng tại Hội chợ Khoa học Google 2013 nhờ phương pháp mới trong phòng tránh và chữa trị bệnh cúm. Chàng trai 17 tuổi này sử dụng một chương trình máy tính và phương pháp thử nghiệm sinh học nhằm chế tạo một loại thuốc có khả năng ức chế virus cúm, từ đó ngăn chặn virus lây lan. Sau đó không lâu, Chen cũng giành chiến thắng trong chương trình tìm kiếm tài năng khoa học của Intel. Vào năm ngoái, cậu đã nhập học tại Đại học Harvard danh tiếng.
8. Brittany Wenger, 17 tuổi: Hệ thống máy tính chẩn đoán ung thư vú
Tuy chưa đầy 18 tuổi nhưng cô bé Brittany Wenger đã chế tạo thành công một “bộ não” máy tính dựa trên điện toán đám mây nhằm chẩn đoán ung thư vú. Nhờ đó, cô đã giành giải thưởng lớn của Google vào năm 2012. Chương trình này được Wenger lập trình dựa trên mô hình mạng lưới thần kinh của não, công nghệ từng được Google sử dụng để xác định hình ảnh. Hiện tại, Wenger đang theo học tại Đại học Duke và công cụ chẩn đoán ung thư "Cloud for Cancer" của cô vẫn đang được duy trì.
9. Shree Bose, 17 tuổi: Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Giải thưởng lớn đầu tiên của Hội chợ Khoa học Google vào năm 2011 đã thuộc về cô gái 17 tuổi Shree Bose với công trình nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư buồng trứng. Công trình này tập trung vào tính kháng thuốc của tế bào ung thư, nhằm xác định và khống chế sự biến đổi của tế bào ung thư – từ đáp ứng sang kháng lại quá trình hóa trị liệu. Nhờ đó, cô đã tìm ra cách thức ức chế các protein của tế bào ung thư nhằm hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư. Kể từ chiến thắng vang dội tại Google, Bose đồng sáng lập một startup hướng dẫn trẻ em tự lập trình trên máy tính. Hiện tại, cô đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Harvard và dự định sẽ tiếp tục theo đuổi y học sau khi tốt nghiệp.