Ai là người đầu tiên đặt chân đến vùng biển Caribbean?
Rất nhiều bộ xương của 5 loài động vật được tìm thấy trên một hòn đảo nhỏ thuộc vùng biển Caribbean là bằng chứng cho thấy con người đã sinh sống trong khu vực này rất lâu trước khi Christopher Columbus khám phá nó.
Tại hai ngôi làng cổ đại trên đảo Carriacou, các nhà nghiên cứu vừa mới phát hiện ra phần còn lại của những con thú có túi thuộc họ Phalangeridae, con ta-tu (loài thú có vú thuộc họ Dasypodidae), lợn guinea, chuột lang aguti, và lợn cỏ pêcari.
Nhóm nghiên cứu nhận định đối với một hòn đảo nhỏ, sự đa dạng sinh học này là khá bất thường.
Phần hàm của một con lợn cỏ pêcari được tìm thấy trên hòn
đảo nhỏ Carriacou thuộc vùng biển Caribbean.
Vì vậy, nhiều khả năng chúng được vận chuyển từ nơi khác đến West Indies (quần đảo nằm giữa miền đông nam Bắc Mỹ và miền bắc Nam Mỹ).
Với số lượng khan hiếm, chúng có lẽ chỉ dành cho bữa ăn của nhóm người có địa vị cao trong xã hội hoặc được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng, Phó Giáo sư Scott Fitzpatrick, một nhà nhân chủng học đến từ Đại học bang North Carolina phát biểu.
Sử dụng kỹ thuật xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, các nhà khoa học xác định những con vật đã xuất hiện trên các hòn đảo từ giữa năm 700 đến 1400. Trong khi đó, lịch sử trước đây ghi nhận Christopher Columbus là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến West Indies vào năm 1492. Khi ấy, ông ngỡ mình đã khám phá ra Ấn Độ, nên Caribbean lúc đó có tên là cụm đảo West Indies (Tây Ấn).
Như vậy, con người bắt đầu xuất hiện ở West Indies khoảng 5000 năm trước Công nguyên và đã sinh sống ở Lesser Antilles, quần đảo bao gồm Carriacou, từ 2500 đến 3000 năm trước Công nguyên.
Cả 5 loài được phát hiện đều không có khả năng bơi lội. Điều này đặt ra giả thuyết con người trong quá trình đến vùng đất mới đã mang chúng theo. Nhiều hiện vật khác tại hai ngôi làng cổ cũng rất phù hợp với giả thuyết đó.