Ảnh chụp "ma sao" cách Trái đất 800 năm ánh sáng
Đài thiên văn phía Nam của châu Âu (ESO) cung cấp cái nhìn đầy ma mị về tàn dư của một ngôi sao chết phát nổ cách đây 11.000 năm.
Khi một ngôi sao khổng lồ đi đến giai đoạn cuối cùng của vòng đời, nó cạn kiệt nhiên liệu cần thiết để duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân và dưới tác động của trọng lực, các lớp bên ngoài sụp đổ rất nhanh, đập vào lõi sao, nén các electron và proton của nguyên tố nặng thành neutron. Vật chất cuối cùng trở nên nóng đến mức thổi bay các lớp bên ngoài vào không gian trong một vụ nổ mạnh nhất từng biết đến trong vũ trụ, được gọi là siêu tân tinh.
Sự kiện siêu tân tinh không chỉ đánh dấu sự ra đời của một ngôi sao neutron hoặc hố đen siêu đậm đặc, mà còn để lại các tàn dư - tinh vân hay đám mây khí bụi đầy màu sắc - cùng với sóng xung kích lan tỏa vào môi trường liên sao.
Một trong những tàn dư siêu tân tinh gần nhất được biết đến là Vela, nằm cách Trái Đất chỉ 800 năm ánh sáng trong chòm sao cùng tên. Nó là tất cả những gì còn sót lại của một ngôi sao chết phát nổ cách đây 11.000 năm. Trong bức ảnh mới được ESO công bố hôm 31/10, cấu trúc này hiện lên đầy ma mị rất phù hợp với ngày lễ Halloween.
Tàn dư của siêu tân tinh Vela chụp bởi Kính viễn vọng Khảo sát VLT. (Ảnh: ESO)
"Nó gợi lên nhiều liên tưởng khác nhau giữa các thành viên trong nhóm quan sát, từ mạng nhện phức tạp đến bóng ma vũ trụ. Đối với tôi, vẻ ngoài ma quái này rất thơ mộng. Chúng ta đang nhìn vào phần còn lại của một ngôi sao đã chết cách đây rất lâu theo đúng nghĩa đen, vì vậy hình ảnh bóng ma là phép ẩn dụ cả về mặt thị giác lẫn quan điểm vật lý thiên văn", Juan Carlos Munoz-Mateos, phát ngôn viên của ESO, cho biết.
Theo CNN, khi ngôi sao chuyển sang trạng thái siêu tân tinh, sóng xung kích quét qua các lớp khí bụi xung quanh và nén chúng lại, tạo ra những sợi nhỏ giống như mạng nhện mỏng manh. Quan sát mới từ ESO cho thấy những sợi khí này dường như tỏa sáng do nhiệt từ sóng xung kích.
Hình ảnh tuyệt đẹp trên có độ phân giải lên tới 554 triệu pixel, được chụp bởi máy ảnh trường rộng OmegaCAM trên Kính viễn vọng Khảo sát VLT của ESO ở Chile. Công cụ này có khả năng chụp ảnh bằng nhiều bộ lọc, cho phép tạo ra các bước sóng ánh sáng và màu sắc khác nhau.
Kính viễn vọng Khảo sát VLT là một trong những kính thiên văn lớn nhất khảo sát bầu trời đêm bằng cách sử dụng ánh sáng khả kiến, giúp các nhà thiên văn học mở khóa bí mật về sự hình thành và sụp đổ của các vì sao.
- Chim choắt lập kỷ lục bay 13.560km liên tục
- Cuộc giải cứu "bằng chứng văn minh nhân loại" nặng nửa tấn của các nhà khoa học tại cực Nam Lục địa đen
- Hổ mang chúa đu mình trên trần nhà bỏ trốn khỏi sở thú