Ảnh thiên văn tuần qua
Tinh vân nổi tiếng Orion, sao chổi Lemmon quét qua bầu trời phương nam là hai trong những hình ảnh ấn tượng về thiên văn tuần qua do Cơ quan Vũ trụ và Hàng không Mỹ (NASA) bình chọn.
Hình ảnh rõ nét của một phần tinh vân nổi tiếng Orion cho thấy gió sao thổi nhanh vào các dòng khí trôi chậm tạo nên các sóng xung kích, tựa như một chiếc ca nô phóng nhanh qua mặt hồ phẳng lặng.
Robot thăm dò sao Hoả Curiosity hạ cánh ở hố thiên thạch Gale tháng 8 vừa qua và đang tìm kiếm dấu hiệu của nước chảy trên bề mặt Hành tinh đỏ. Nó hiện đang trong một vùng trũng sau khi tìm ra nhiều dấu vết của các dòng chảy đã khô cạn.
Thiên hà M106 với cánh tay vươn dài cách chúng ta 23,5 triệu năm ánh sáng, đây là một thiên hà xoắn lớn với các dải bụi màu tối, tinh vân sao trẻ màu xanh, các vùng tạo sao màu hồng và trung tâm với các sao già hơn màu vàng. Hai dải màu hồng bất thường so với các cánh tay khác cho ta bằng chứng về một lỗ đen khổng lồ đang phun vật chất từ tâm thiên hà.
Sao chổi Lemmon vừa được phát hiện năm ngoái đang quét qua bầu trời phương Nam. Với quầng sáng xanh ấn tượng và cái đuôi mờ, sao chổi này được cho rằng có chứa phân tử khí C2, huỳnh quang màu xanh dưới ánh sáng mặt trời. Các sao tạo thành vệt do chụp phơi sáng thời gian dài.
Thiên hà Barnard là một thiên hà cỡ nhỏ cách trái đất 1,5 triệu năm ánh sáng. Nó được xếp vào nhóm thiên hà lùn vô định hình, với nhiều sao trẻ xen kẽ với các vùng khí hydro màu hồng, nguyên liệu chính để tạo thành các sao mới.
Đúng 100 năm trước, vào năm 1913, một trận mưa sao băng lớn diễn ra trên bầu trời được nhiều tài liệu ghi chép lại. Một giả thuyết cho rằng những thiên thạch lớn khi lao vào khí quyển trái đất đã vỡ ra thành nhiều mảnh, tạo thành các vệt sao băng song song xuất hiện đồng thời như bức ký hoạ trên đây.