Ảo thị xoay tít kỳ lạ
Một ảo thị xoay tít khiến mỗi người quan sát nhìn thấy một sắc độ màu khác nhau và cho tới nay, vẫn chưa ai biết tại sao lại có hiện tượng đó.
Khi nhìn chăm chú vào bánh xe màu trắng và đen xoay tít trên đủ lâu, bạn có thể nhìn thấy một màu nào đó xuất hiện. Điều đặc biệt là, những người khác nhau thông báo đã quan sát được các màu khác nhau, trong khi một số nói không nhìn thấy bất kỳ cái gì.
Nhiều người quan sát ảo thị nói, họ nhìn thấy màu xanh lá cây, số khác nói nhìn thấy màu vàng và vài người nói nhìn thấy màu đỏ. Tuy nhiên, chính xác tại sao lại xảy ra hiện tượng này, vẫn là câu hỏi hóc búa đối với giới khoa học suốt nhiều thập niên qua.
Bánh xe ảo thị trên gọi là con quay Benham, đặt theo tên của nhà sản xuất đồ chơi Mỹ Charles Benham, người đã sáng tạo ra nó vào năm 1895. Con quay Benham tạo ra ảo giác về màu sắc khi các mẫu hình đen và trắng thay đổi liên tục, nhanh chóng. Khi bánh xe xoay tít, các vòng cung màu phảng phất, được gọi là màu Fechner, hiển hiện ở những khu vực khác nhau trên bề mặt bánh xe.
Tốc độ quay càng nhanh, hiệu ứng màu sắc càng rõ thấy. Việc đảo ngược chiều quay của bánh xe cũng có thể làm biến đổi sắc độ màu quan sát được.
Một giả thuyết cho lí do tại sao mọi người nhìn thấy các màu khác nhau là, các cơ quan cảm thụ trong mắt người phản ứng với tốc độ khác nhau trước màu đỏ, màu xanh lá cây và màu vàng.
Võng mạc trong mắt người bao gồm 2 loại cơ quan cảm thụ nhạy cảm với ánh sáng là tế bào hình nón và tế bào hình que. Các tế bào hình nón giữ vai trò quan trọng đối với khả năng quan sát màu và ánh sáng chói. Có 3 loại tế bào hình nón và mỗi loại nhạy cảm nhất với một bước sóng ánh sáng nhất định.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington (Mỹ) nhận định, các màu sắc khác nhau quan sát được khi con quay Benham xoay tít, có thể là kết quả của những thay đổi xuất hiện ở võng mạc và các phần khác của hệ thống thị giác. Chẳng hạn như, các đĩa xoáy tít có thể kích hoạt các vùng lân cận võng mạc khác nhau hoặc các vùng đen và trắng của đĩa kích thích những phần khác nhau của võng mạc. Phản ứng này được cho là gây ra một dạng thay đổi trong hệ thần kinh, tạo ra màu sắc khác nhau mà chủ thể nhìn thấy.
Một giả thuyết khác lại cho rằng, các tế bào hình nón khác nhau của võng mạc duy trì sự hoạt hóa trong những khoảng thời gian khác nhau. Điều đó có nghĩa là, khi bánh xe quay, các vùng màu trắng kích hoạt cả 3 loại tế bào hình nón và sau đó các vùng màu đen làm chúng ngưng hoạt động. Trật tự này có thể gây ra sự mất cân bằng, vì các loại tế bào hình nón có thời gian phản ứng khác nhau, dẫn đến việc bộ não sản sinh ra những màu khác nhau.
Mặc dù các giả thuyết trên không lý giải hoàn toàn được ảo giác kỳ lạ, con quay Benham hiện vẫn đang được nghiên cứu để sử dụng như một công cụ chẩn đoán các bệnh về mắt.