Asgardia - dự án xây dựng quốc gia đầu tiên trong vũ trụ

Từ vệ tinh Asgardia-1 ban đầu, các nhà khoa học kỳ vọng xây dựng một quốc gia lơ lửng trên quỹ đạo Trái Đất.

Các nhà khoa học quốc tế hôm 12/11 bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ về "quốc gia vũ trụ Asgardia" khi phóng thành công vệ tinh Asgardia-1 lên quỹ đạo, theo CNN.

Asgardia - dự án xây dựng quốc gia đầu tiên trong vũ trụ
Tiến sĩ Igor Ashurbeyli đề xuất thành lập quốc gia Asgardia ngoài không gian. (Ảnh: James Vaughan).

Asgardia-1 thực hiện chuyến bay kéo dài hai ngày từ bãi phóng Wallops Flight Facility của NASA ở Virginia, Mỹ, lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Vệ tinh siêu nhỏ này mang theo 0,5 TB dữ liệu về 18.000 công dân Asgardia, bao gồm ảnh gia đình cùng những thông tin về quốc kỳ, quốc huy và hiến pháp của quốc gia mới.

Tiến sĩ Igor Ashurbeyli, một nhà khoa học Nga, đề xuất thành lập Asgardia, quốc gia vũ trụ độc lập đầu tiên vào tháng 10 năm 2016. Quốc gia này được đặt theo tên một vùng đất trên trời trong thần thoại Bắc Âu. Các công dân có thể xin gia nhập Asgardia miễn phí.

Sứ mệnh của dự án là mang đến một xã hội hòa bình, giúp mọi người tiếp cận các công nghệ vũ trụ dễ dàng hơn và bảo vệ Trái Đất trước những mối đe dọa ngoài không gian như thiên thạch hay rác vũ trụ nhân tạo, Ashurbeyli cho biết.


Tên lửa mang vệ tinh Asgardia-1 phóng thành công lên không gian. (Video: YouTube).

Asgardia-1 được đưa lên trạm ISS nhờ tên lửa OA-8 Antares-Cygnus, phương tiện vận tải hàng hóa thương mại của NASA. Vệ tinh này sẽ phải đợi khoảng ba tuần để quá trình vận chuyển các trang bị thiết yếu và dụng cụ khoa học từ tàu của NASA cho 6 phi hành gia trên trạm ISS hoàn tất.

Sau đó, Asgardia-1 sẽ tách ra và bắt đầu hành trình của mình trên quỹ đạo Trái Đất. Nó sẽ mang thông tin của các công dân bay ngoài không gian khoảng 5-18 tháng, thời gian hoạt động thông thường đối với loại vệ tinh này.

Khi dự án Asgardia mới được công bố, có đến hơn 100.000 người đăng ký tham gia chỉ trong vòng 40 tiếng. Sau ba tuần, con số này tăng lên 500.000 người. Bất cứ ai đủ 18 tuổi, biết sử dụng email, không quan trọng giới tính, quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo hay điều kiện tài chính, đều được phép đăng ký làm công dân, kể cả những người từng có tiền án tiền sự.

Hiện nay, Asgardia có khoảng 114.000 người đăng ký đến từ 204 quốc gia trên thế giới. Đây là những người đồng ý tuân thủ hiến pháp được đưa ra trưng cầu dân ý hồi tháng 6. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có đông dân cư Asgardia nhất với hơn 16.500 người.

"Tôi thực sự muốn xem con người có thể tự do thể hiện suy nghĩ hơn không. Tôi hy vọng chúng ta có thể sống theo những cách khác, một cuộc sống tốt đẹp hơn và nhiều lựa chọn hơn", Rayven Sin, một nghệ sĩ ở Hong Kong tham gia dự án, chia sẻ. Chuyên gia marketing John Spiro thì cho biết, anh cảm thấy hứng thú với ý tưởng đưa thông tin cá nhân lên vũ trụ.

Nhóm dự án Asgardia mong muốn xây dựng các công trình để con người sinh sống trong vùng quỹ đạo Trái Đất thấp, đầu tiên là ở độ cao 161 - 321km, nơi trạm ISS đang hoạt động. Chuyến bay đầu tiên đưa người lên "quốc gia bay" này dự kiến diễn ra trong 8 năm nữa.

Asgardia - dự án xây dựng quốc gia đầu tiên trong vũ trụ
Người dân có thể đăng ký trở thành công dân của Asgardia miễn phí. (Ảnh: James Vaughan).

"Ngôi nhà thật sự của chúng ta không phải căn nhà hay thành phố nơi ta sinh ra. Nhà là Trái Đất, và chúng tôi muốn bảo vệ nó. Đó không phải là tưởng tượng. Việc đến sao Hỏa, các thiên hà, hay tương tự chỉ là hư cấu. Tôi dự định làm thứ gì đó thực tế hơn", Ashurbeyli nói.

Nhóm dự án đang chuẩn bị cho những lần phóng vệ tinh tiếp theo nhưng chưa công bố thời gian cụ thể. Ashurbeyli cho biết mình hiện là nhà tài trợ duy nhất cấp vốn cho dự án, nhưng không tiết lộ số tiền cụ thể.

Được cho là một tỷ phú giàu có, Ashurbeyli tốt nghiệp Học viện Dầu mỏ Azerbaijan năm 1985 và thành lập công ty phần mềm Socium ba năm sau đó. Ông chuyển đến Moscow vào những năm 1990. Năm 2010, ông được trao tặng giải thưởng Công nghệ và Khoa học Nga.

Năm 2013, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Quốc tế (AIRC) tại Vienna, Áo và đang là chủ tịch ủy ban Khoa học Vũ trụ của UNESCO. Tuy nhiên, từ năm 2011, ông tuyên bố rút khỏi mọi tổ chức chính phủ và hiện là người trung lập về chính trị.

Asgardia là dự án Ashurbeyli mơ ước từ khi còn nhỏ, ông phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hong Kong hồi tháng 6. "Tôi rất muốn làm điều gì đó khác thường mà chưa ai thực hiện. Ước mơ của tôi là thành lập một quốc gia độc lập", Ashurbeyli chia sẻ trên CNN.

Hiện nay, các quy định ngoài không gian được chi phối bởi Hiệp ước Không gian do 103 quốc gia ký, trong đó có Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Asgardia chủ trương lập ra một nền tảng pháp lý mới ngoài vũ trụ.

Asgardia - dự án xây dựng quốc gia đầu tiên trong vũ trụ
Các công dân Asgardia tương lai sẽ sống trong các công trình ngoài vũ trụ. (Ảnh: James Vaughan).

Một trong những dự định tham vọng nhất của Asgardia là trở thành thành viên Liên Hợp Quốc. Để đạt được điều này, trước hết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần chấp thuận đơn đăng ký tư cách quốc gia của Asgardia. Sau đó, 2/3 thành viên Đại Hội đồng phải ủng hộ việc Asgardia gia nhập Liên Hợp Quốc.

"Một quốc gia phải mang những đặc điểm sau: dân số ổn định, lãnh thổ xác định, có chính phủ, có khả năng tham gia các mối quan hệ với những nước khác, và phải được các nước khác công nhận tư cách nhà nước", Joanne Gabrynowicz, chuyên gia luật vũ trụ từ khoa luật thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết.

Ashurbeyli dự định thành lập một chính phủ dân chủ với văn phòng công tố, cơ quan kiểm toán quốc gia và các cơ quan chính phủ khác ở Asgardia. Các bộ sẽ do người đại diện ở từng khu vực điều hành, còn trung tâm hành chính đặt ở Vienna. Các cơ quan chính phủ sẽ được thành lập sau khi diễn ra bầu cử nghị viện.

Người Asgardia sẽ hưởng lợi từ việc có "quyền công dân kép", Ashurbeyli trả lời khi được hỏi về việc sẽ "mang hòa bình" đến cho các công dân như thế nào trong khi chưa có lãnh thổ địa lý. "Nếu gặp rắc rối trên Trái Đất, tôi sẽ được đại sứ quán Asgardia hỗ trợ. Giống như khi bạn là khách du lịch, bạn có thể đến đại sứ quán và họ sẽ cố gắng giúp đỡ", ông giải thích.

Tuy nhiên, Ashurbeyli hiểu rõ mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tạo dựng một đất nước mới. "Chúng tôi giống như một đất nước bình thường. Tất cả các nước đều có những vấn đề cần xử lý và sớm thôi, chúng tôi cũng sẽ như vậy. Nhưng chúng tôi còn gặp nhiều vấn đề hơn vì không ở trên Trái Đất", ông chia sẻ.

Loading...
TIN CŨ HƠN
UAE lên kế hoạch xây trạm cảnh sát không gian trên sao Hỏa

UAE lên kế hoạch xây trạm cảnh sát không gian trên sao Hỏa

UAE dự định mở trạm cảnh sát sao Hỏa do con người, robot, các thiết bị không người lái và vệ tinh vận hành vào năm 2057.

Đăng ngày: 18/11/2017
Liên Xô đã cứu trạm vũ trụ Saliut-7 như thế nào?

Liên Xô đã cứu trạm vũ trụ Saliut-7 như thế nào?

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 dài 10,3 mét, nặng 8,5 tấn của Trung Quốc đang bị mất kiểm soát và có thể lao xuống đâm Trái đất.

Đăng ngày: 17/11/2017
Thiên thạch khổng lồ sắp bay ngang Trái đất

Thiên thạch khổng lồ sắp bay ngang Trái đất

Đây là thiên thạch có kích thước tương đối lớn với đường kính 5km, thiên thạch này sẽ bay qua vị trí cách Trái Đất khoảng 10 triệu km.

Đăng ngày: 17/11/2017
Nút thắt hình thành từ hai thiên hà va vào nhau

Nút thắt hình thành từ hai thiên hà va vào nhau

Hình ảnh thiên hà NGC 2623 hình vặn xoắn giúp các nhà khoa học hiểu thêm về vụ va chạm của dải Ngân hà trong khoảng 4 tỷ năm nữa.

Đăng ngày: 16/11/2017
Ross 128b - Hành tinh

Ross 128b - Hành tinh "song sinh" với Trái đất và những điều cần biết

Mới đây, trạm quan sát Nam Âu đã phát hiện được một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời có các điều kiện thuận lợi để con người sinh sống, họ gọi hành tinh này là Ross 128b.

Đăng ngày: 16/11/2017
Dễ gì

Dễ gì "đua" lên không gian

Vụ phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 thất bại hồi đầu tháng 7 khiến các sứ mệnh mặt trăng sắp tới của Trung Quốc bị trì hoãn.

Đăng ngày: 16/11/2017
Phát hiện một hành tinh con người có thể sinh sống

Phát hiện một hành tinh con người có thể sinh sống

Trạm quan sát Nam Âu (ESO) ngày 15/11 cho biết đã phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời có các điều kiện về lý thuyết con người có thể sinh sống được.

Đăng ngày: 16/11/2017
Tiêu điểm
Khoa Học News