Athanatoi - Đội kỵ binh hùng mạnh danh xưng "bất tử" liệu có xứng đáng với tên gọi ấy?
Có phải chúng ta đã và đang "thần thánh" quá mức cái tên Athanatoi - đội kỵ binh hùng mạnh.
Những ai đã chơi "Age of Empire" (chính là tựa game Đế chế đó) chắc chắn từng phải khổ sở chống đỡ đội "ngựa" (kỵ binh) của đế quốc Byzantine (Đông La Mã) hùng mạnh.
Và những ai biết đến game Lara Croft: Tomb Raiders chắc chắn không thể nào quên Athanatoi - đội quân của những người không thể chết. "Athanatoi", hay còn gọi là "The Immortals", đã trở thành một cụm từ không còn xa lạ đối với những người thích tìm hiểu quân sự châu Âu cổ đại, và cả những ai thích yếu tố lịch sử kỳ bí.
Athanatoi – một cái tên quen thuộc với nhiều game thủ.
Sở hữu danh xưng kinh khủng như vậy, ai cũng phải hiểu rằng đội quân này là "bất khả chiến bại". Nhưng sự thật thì sao? Họ vẫn bại trận, và phải chăng tên gọi ấy chỉ là hư danh? Chúng ta sẽ đi tìm hiểu xem sao.
Nguồn gốc của cái tên "bất tử"
Cái tên Athanatoi bắt nguồn từ một từ gốc Hy Lạp cổ Άθάνατοι, với "a" nghĩa là "không" và "Thanatos" là tên vị thần chết trong thần thoại. Đội quân là một phần của trung đoàn τάγματα (nghĩa là người canh gác), thuộc quân đội Byzantine từ thế kỷ thứ 7, có nguồn gốc từ giới quý tộc trẻ miền Đông La Mã.
Cũng có tài liệu chỉ ra Athanatoi là một phần của quân đội các nước lân cận, nhưng các nhà sử học hiện đại phản bác lại, cho rằng đội quân này đã được sinh ra ngay tại Byzantines và bao gồm những người bản địa.
Về ý nghĩa của cái tên, thì trước tiên cần biết rằng Athanatoi là những kỵ binh hạng nặng, mặc giáp toàn thân, che kín từ đầu đến chân, ngay cả ngựa của họ cũng được bảo vệ "tận răng".
Trong các tài liệu lịch sử thì Anna Komnene - con gái của Hoàng đế Byzantine Alexios I đã gọi tên bộ giáp này là "kataphraktoi", nghĩa là "được bảo vệ toàn thân".
Phần thân của kataphraktoi gồm phần "áo giáp" - lōrikion alysidōton, phần "vảy" - lōrikion folidōton, và miếng kim loại che chắn trước ngực là klivanion. Theo các nhà sử học hiện đại, bộ giáp này có thể "kháng" được sự tấn công của những loại vũ khí sắt nhọn.
Có truyền thuyết kể rằng, vua Alexios I bị vây hãm trong vòng vây của người Norman. Họ ra sức dùng giáo tấn công ông, nhưng thậm chí không tạo ra nổi một vết xước nhờ bộ giáp đặc biệt này.
Sau đó vị vua được giải cứu và thậm chí lật ngược thế trận giành chiến thắng trong cuộc chiến đó. Có lẽ chính vì lẽ vậy mà Athanatoi có được cái danh xưng "bất tử".
Họ có thực sự bất tử như cái tên của mình?
Có lẽ mọi người đã đồn thổi hơi quá về danh tiếng của Athanatoi, vì bộ giáp hoành tráng trên là kết quả sự phát triển của cả một nền quân sự Byzantine, còn tất cả những gì lịch sử ghi lại về Athanatoi chỉ là... một cái tên mờ nhạt mà thôi.
Minh chứng rõ nhất có lẽ ở thất bại ê chề trong những trận đánh hiếm hoi được ghi nhận có sự tham gia của Athanatoi. Đó là khi Alexios I Komnenos chống quân phản loạn Nikephoros Bryennios Elder vào những năm 1070.
Alexios I Komnenos.
Trong tài liệu do Anna Komnene, quân đội lúc đó đang trong tình trạng hết sức tồi tệ:"...vương triều La Mã lúc bấy giờ đã bị vắt kiệt. Đội quân rải rác một cách thưa thớt trên khắp mặt trận phía Đông, trong khi đó đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đang bận ra quân để xâm chiếm các lục địa lân cận".
Quân đội của Alexios I bao gồm "Athanatoi", 300 người Chomatenes, vài toán lính đánh thuê người Frank và quân đồng minh từ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại ít nhất 10.000 người của quân Bryennios.
Thế trận rõ ràng bất lợi cho phe Byzantine, nhưng không ai biết lý do vì sao vị vua vẫn quyết định chiến đấu dù lúc đó đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa xuất hiện.
Sau khi đụng phải quân tinh nhuệ của Bryennios, quân mai phục nhanh chóng bị quét sạch. Đội quân bất tử danh bất hư truyền Athanatoi cũng nhanh chóng tan rã. Alexios phải rút quân và lui về phòng thủ.
Rất may mắn là đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của Alexios đã xuất hiện kịp thời và phản công. Bryennios không kiểm soát được quân của mình nữa và bị bắt. Trận chiến kết thúc với phần thắng nghiêng về Alexios.
Một vài tài liệu khác cũng từng viết rằng Athanatoi từng xuất hiện trong trận chiến chống lại Pechenegs vào thập niên 1090, nhưng cũng không có gì nổi bật và sau đó thì biến mất hẳn.
Tất nhiên, dù Alexios I đã chiến thắng, nhưng không phải nhờ công sức của đạo quân "bất tử" mà ai cũng nghĩ là thiện chiến. Đó chỉ là một đạo quân bình thường, mang danh hiệu có phần "quá sức" trong một triều đại để lại nhiều tai tiếng trong lịch sử Byzantine.