Bài học từ thảm họa động đất ở Nepal
Cơ sở hạ tầng an toàn, khả năng ứng phó thiên tai là những bài học quý giá mà Nepal cũng như các nước khác cần rút ra sau thảm họa ở quốc gia Nam Á.
- Bài học từ Thái Lan đối với đập trên sông Mekong
- Vì sao động đất ở Nepal có sức công phá lớn?
- Số người chết trong động đất Nepal vượt 7.000
Nepal - Bài học từ thảm họa
Thủ đô Kathmandu tan hoang sau trận động đất mạnh 7,9 độ Richter. (Ảnh: CNN)
Theo Diplomat, Nepal là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, GDP bình quân đầu người khoảng 649 USD mỗi năm. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả Mali và Burkina Faso (2 quốc gia châu Phi sống nhờ vào viện trợ nước ngoài).
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nepal lên tới 40%. Thu nhập quốc gia Nam Á phụ thuộc rất lớn vào các lao động làm việc ở nước ngoài. Lượng kiều hối chiếm tới một phần ba hoạt động kinh tế. Năm 2008, chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại 240 năm được bãi bỏ sau một thập kỷ đấu tranh từ cuộc nổi dậy của người Maoist.
Bất ổn chính trị đã làm suy yếu các nỗ lực của chính phủ và địa phương, bao gồm những tổ chức chịu trách nhiệm chuẩn bị ứng phó với động đất. Hệ quả từ biến cố chính trị khiến Nepal phải chịu thiệt hại nặng sau thảm họa động đất ngày 25/4.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Cosmos, Paul Tapponnier, nhà địa chất học người Pháp, nói: "Nơi tôi đang lo ngại về động đất là trung tâm Nepal".
Độ tuổi trung bình của người dân khoảng 22,9, hơn một nửa dân số trẻ hơn 24 tuổi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người có kinh nghiệm về động đất ở Nepal lo lắng về thiệt hại hơn những người sinh ra sau thảm họa năm 1988.
Khác biệt đó cho thấy tầm quan trọng của nhận thức trong việc chuẩn bị đối phó với thảm họa thiên nhiên. Cơ sở hạ tầng tốt giúp tăng khả năng phục hồi nhanh chóng sau thảm họa, nhưng nhận thức thông tin và hành vi ở cấp độ cá nhân và chính phủ là cực kỳ quan trọng.
Chìa khóa cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng kém phát triển là nguyên nhân chủ yếu khiến Nepal phải chịu thiệt hại nặng sau thảm họa. (Ảnh: Business Insider)
Thảm họa ở Nepal là một lời cảnh tỉnh cho thấy sự cần thiết phải đồng thời đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt và hoạch định chính sách dài hạn nhằm phòng chống thiên tai. Tại Kathmandu, nơi điều kiện địa chất không ổn định, cùng mật độ xây dựng dày đặc nhưng kém chất lượng, tạo nên môi trường sống cực kỳ nguy hiểm.
Theo Demographia, Kathmandu là thành phố có mật độ dân cư đông thứ 33 thế giới, trong khi đó, quy hoạch đô thị còn yếu kém. Năm 2012, kỹ sư trưởng Cục Phát triển và Xây dựng Đô thị Nepal thừa nhận, các tòa nhà được xây dựng mà không hề tuân thủ quy hoạch.
95% số văn phòng của cơ quan chính phủ vi phạm luật xây dựng. Với điều kiện xây dựng kém, mật độ dân số cao, động đất trong tương lai ở Nepal sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nếu trận động đất vừa qua diễn ra vào ban đêm hoặc vào ngày học sinh đến trường, số người chết sẽ còn cao gấp nhiều lần.
Luật xây dựng ở Nepal có hiệu lực từ hơn 2 thập kỷ trước, tuy nhiên, việc thực thi luật rất lỏng lẽo. Hàng nghìn ngôi nhà được xây dựng trái phép trong 20 năm qua tạo nên cơ sở hạ tầng kém chất lượng. Vì vậy, mọi thứ gần như sụp đổ hoàn toàn khi xảy ra động đất.
Cục khảo sát địa chất Mỹ ước tính, thiệt hại về kinh tế sau thảm họa có thể vượt GDP hàng năm của Nepal (khoảng 20 tỷ USD). Người ta không rõ động đất có ảnh hưởng đến các đập thủy điện hay không, nhưng nó sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng điện ở quốc gia này.
Trận động đất có thể trì hoãn việc xây dựng đập thủy điện trị giá 1,6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ. Tính khả thi của một đập thủy điện lớn trong khu vực địa chất không ổn định là vấn đề cần phải xem xét lại. Như vậy, vấn đề thiếu điện sẽ cản trở nỗ lực khắc phục hậu quả và phát triển kinh tế.
Chất lượng cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng quyết định khả năng phục hồi sau thảm họa. Theo dữ liệu của Chương trình chỉ số thích ứng toàn cầu, Đại học Notre Dame (Mỹ), Nepal đứng thứ 55 trong tổng số 132 quốc gia về mức độ tổn thương trước thảm họa thiên nhiên.
Khả năng ứng phó
Khả năng ứng phó kém của chính phủ bị chỉ trích là nguyên nhân khiến số người chết tăng cao. (Ảnh: Financialexpress)
Ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, khả năng đối phó với thảm họa là yếu tố cực kỳ quan trọng. Các tổ chức ứng phó thiên tai phải có năng lực ở cấp độ quốc gia và địa phương để phản ứng ngay lập tức khi thảm họa xảy ra. Họ phải có khả năng dự đoán trước thảm họa để có sự chuẩn bị.
Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách ngăn ngừa và ứng phó với khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực giao thông hạn chế ở miền núi, nơi thường xảy ra động đất.
Nepal và các nước đang phát triển khác có thể rút ra bài học quý giá từ thảm họa mới xảy ra. Các tòa nhà được xây mới phải có khả năng chịu chấn động ở một mức độ nhất định. Bên cạnh đó, chính phủ cần nghiêm khắc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép.
Các công trình công cộng thiết yếu như: Bệnh viện, trường học, đồn cảnh sát phải được xây dựng theo các tiêu chuẩn an toàn cao với động đất tương tự các công trình ở Nhật Bản và New Zealand. Bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, chính phủ Nepal và các nhà tài trợ cần nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ở quốc gia này.
Dựa trên kinh nghiệm sau thiên tai ở các nước đang phát triển, có rất ít lý do để lạc quan rằng, Nepal có thể đổi mới. Một số cải tiến có thể được tiến hành nhưng không phải tất cả đều hiệu quả. Những tấm lòng hảo tâm trên thế giới đang hướng về Nepal nhưng khi giới truyền thông thế giới chuyển sự chú ý sang vấn đề khác, Nepal sẽ trở lại với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống thường ngày.
Cơ sở hạ tầng kém an toàn, bất ổn chính trị, tham nhũng, chính sách không hiệu quả có thể khiến nỗ lực cải thiện vấn đề rơi vào bế tắc. Các nước nên nhìn vào thảm họa ở Nepal để loại bỏ các chính sách đã lỗi thời.
"Nepal đang có cơ hội khởi động tăng trưởng kinh tế thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và cải thiện năng lực ứng phó thiên tai. Đây có thể là cơ hội cuối cùng để thay đổi", Asit K. Biswas, giáo sư thỉnh giảng Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, nhận định.