Bằng chứng vết máu Chúa Jesus trên tấm vải liệm thành Turin
Các chuyên gia kết luận tấm vải liệm thành Turin có vết máu nạn nhân bị tra tấn, củng cố giả thuyết tấm vải dùng để liệm xác chúa Jesus.
Một nhóm nghiên cứu Italy phát hiện tấm vải lanh, được cho là dùng để bọc xác Chúa Jesus sau khi hành hình, chứa các hạt nano ít thấy ở máu người khỏe mạnh, RT hôm 17/7 đưa tin. Những hạt rất nhỏ này hé lộ sự đau đớn của nạn nhân bọc trong tấm vải liệm, theo Elvio Carlino, nhà nghiên cứu ở Viện tinh thể học tại Bari, Italy.
Giáo sư Giulio Fanti ở Đại học Padua cho biết các hạt có cấu trúc, kích thước và phân bố kỳ lạ. Theo giáo sư Fanti, vết máu chứa lượng lớn chất creatinine và ferritin, thường thấy ở bệnh nhân bị thương do ngoại lực mạnh như tra tấn. "Sự tồn tại của những hạt nano sinh học tìm thấy trong thí nghiệm chỉ ra cái chết dữ dội của người đàn ông bọc trong tấm vải liệm thành Turin", giáo sư Fanti nói.
Tấm vải liệm thành Turin. (Ảnh: YouTube).
Tấm vải liệm thành Turin dài khoảng ba mét, rộng một mét, lưu giữ hình ảnh mờ nhạt của một người đàn ông mà các tín đồ Cơ Đốc giáo cho là hình Chúa Jesus. Tấm vải là chủ đề của nhiều nghiên cứu khóa học nhằm xác nhận tính chân thực của nó. Nhiều ý kiến cho rằng hình Chúa Jesus trên vải được các thầy tu làm giả vào thời Trung Cổ.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí PlosOne, giáo sư Fanti kết luận các đặc điểm của hạt nano không thể được làm giả qua nhiều thế kỷ trên chất liệu vải.
Nhóm nghiên cứu rút ra bằng chứng từ các nghiên cứu phân tích nguyên tử và y khoa trên bệnh nhân chịu thương tích do tai nạn và tra tấn. "Các phát hiện được tìm ra nhờ những phương pháp trong lĩnh vực hiển vi điện tử", Elvios chia sẻ. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về đặc tính cấp nano của sợi vải nguyên sơ lấy từ tấm vải liệm thành Turin.
Các thí nghiệm được tiến hành bởi Viện vật liệu ở Trieste và Viện tinh thể học ở Bari, dưới sự giám sát của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy và Khoa kỹ thuật công nghiệp thuộc Đại học Padua. Tấm vải đang được trưng bày ở nhà thờ Thánh John ở Turin.
Hình ảnh được cho là Chúa Jesus trên tấm vải liệm thành Turin. (Video: CNN).