Băng tan khiến báu vật ngoài hành tinh "lẩn trốn" ở Nam Cực
Nhiệt độ tăng cao ở Nam Cực khiến các thiên thạch - báu vật ngoài hành tinh - chìm trước khi nhà nghiên cứu kịp thu thập chúng, theo The New York Times.
Một cách để tìm kiếm thiên thạch là nhanh chóng đi về phía Nam. Một số vùng ở Nam Cực có những thứ trông giống như tảng đá cũ bình thường nhưng thực chất là một mảnh tiểu hành tinh, mặt trăng hoặc thậm chí là sao Hỏa. Khoảng 60% thiên thạch được biết đến đã được thu thập tại đây.
Lượng thiên thạch đồ sộ ở Nam Cực hẳn không đến từ việc nhiều vật thể ngoài Trái đất rơi xuống đó, mà đơn giản là chúng dễ thấy hơn trên dải băng Nam Cực. “Siêu dễ dàng để mắt thường nhận ra một tảng đá tối màu trên bề mặt trắng", Cari Corrigan, nhà địa chất tại Viện Smithsonian, đồng thời phụ trách bộ sưu tập thiên thạch của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia (Mỹ), cho biết.
Lục địa này còn có nhiều nơi được biết đến là khu vực băng xanh. Chúng thường nằm gần núi, địa hình có các lớp băng chồng lên nhau và gió mạnh liên tục làm xói mòn bề mặt. Đây là những điều kiện lý tưởng để tập trung phát hiện, khai thác thiên thạch đã rơi xuống hàng thiên niên kỷ trước.
Một mẫu vật mới được ghi lại. (Ảnh: Katherine Joy/Đại học Manchester).
Những thiên thạch "lẩn trốn"
Việc điều tra khoa học về vật chất ngoài Trái đất để làm sáng tỏ cách Hệ Mặt trời hình thành hàng tỷ năm trước có lẽ sẽ khó khăn hơn ở Nam Cực trong những thập kỷ tới. Lý do là khi nhiệt độ tăng cao, hàng nghìn thiên thạch chìm vào lớp băng lục địa và biến mất khỏi tầm mắt mỗi năm, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 8/4 trên trang Nature Climate Change.
Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều mẫu vật ở Nam Cực bị đóng băng một phần thay vì nằm lộ ra trên bề mặt.
Theo bà Veronica Tollenaar, một trong những tác giả chính của bài báo được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, hầu hết thiên thạch có bề mặt tối, đang nóng lên nhiều hơn và làm tan chảy lớp băng bên dưới chúng.
"Thiên thạch sẽ chìm xuống. Nhiệt độ càng tăng thì quá trình tan chảy càng diễn ra mạnh mẽ", bà Tollenaar và cộng sự cho biết.
Khi sử dụng mô hình mà họ đã phát triển, nhóm nghiên cứu ước tính số lượng thiên thạch có thể nhìn thấy ở các vùng băng xanh Nam Cực trong các kịch bản nóng lên khác nhau. Họ phát hiện ra rằng từ 4.000-6.000 thiên thạch sẽ biến mất khỏi tầm mắt mỗi năm trong vài thập kỷ tới. Cuối thế kỷ này, 3/4 số thiên thạch từng nằm trên băng có thể "lẩn trốn".
Harry Zekollari, nhà băng hà học tại ETH Zurich (Thụy Sĩ) và Vrije Universiteit Brussel (Bỉ), người đứng đầu nghiên cứu cùng với bà Tollenaar, cho biết những thiên thạch giàu kim loại như sắt có nguy cơ biến mất cao nhất bởi chúng dẫn nhiệt tốt, tức là truyền nhiệt sang lớp băng xung quanh dễ dàng hơn.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy một thiên thạch trong chuyến thám hiểm năm 2009-2010. (Ảnh: Steven Goderis/Vrije Universiteit Brussel).
"Chạy đua với thời gian"
Từ đây, bà Tollenaar đề xuất các chuyến thám hiểm Nam Cực để tìm kiếm thiên thạch trong tương lai nên ưu tiên các địa điểm ở độ cao thấp hơn. Đó cũng là những nơi có xu hướng ấm lên và có nguy cơ cao làm các thiên thạch biến mất vài năm tới.
Những nơi nhiều thiên thạch ở Nam Cực thường nằm ở độ cao gần 1.800m đến hơn 2.011m. Song, gần 9/10 số thiên thạch ở độ cao đó sẽ biến mất khỏi tầm nhìn vào cuối thế kỷ XXI, nhóm nghiên cứu tính toán.
“Điều quan trọng là phải dồn toàn bộ nỗ lực vào những nơi "nhạy cảm" nhất", bà Tollenaar nói.
Tiến sĩ Corrigan, người đã thực hiện 2 chuyến đi tới Nam Cực để tìm kiếm thiên thạch, thừa nhận tính cấp thiết: "Chúng tôi muốn ra ngoài đó và thu thập càng nhiều thiên thạch càng tốt trước khi chúng biến mất".
Theo tiến sĩ Zekollari, công nghệ có thể giúp ích. Hầu hết thiên thạch ở Nam Cực đều được tìm thấy theo cách cổ điển: thông qua mạng lưới những người đi bộ hoặc lái xe trượt tuyết. Giờ đây, nỗ lực sử dụng công nghệ như máy bay không người lái để quét băng đang được tiến hành.
"Chúng ta cần phải năng suất hơn. Đó là cuộc chạy đua với thời gian", ông bày tỏ.