Bao cao su hơn 3.000 năm của vua Tutankhamun
Một trong những vật dụng đặc biệt trong lăng mộ Tutankhamun, khai quật năm 1922, là bao cao su bằng vải lanh chứa dấu vết ADN của pharaoh này.
Bao cao su của vua Tutankhamun. (Ảnh: Bảo tàng Cairo)
Năm 1922, khi lần đầu tiên phát hiện lăng mộ của Tutankhamun - pharaoh cai trị Ai Cập khoảng năm 1333 - 1323 trước Công nguyên - nhà khảo cổ Howard Carter vô cùng sửng sốt trước hàng loạt đồ tùy táng ấn tượng. Có tổng cộng hơn 5.000 đồ tạo tác được để lại cho vị vua trẻ sử dụng ở thế giới bên kia.
Giữa những cổ vật bằng vàng, bạc, gỗ mun, ngà voi, những trang sức quý giá, vũ khí, đồ nội thất, vải lanh cao cấp và nước hoa quý hiếm, một mảnh vải nhỏ kỳ lạ thu hút sự chú ý của các chuyên gia: Bao cao su của vua Tutankhamun. Có vẻ đây cũng được coi là vật dụng cần thiết cho Tutankhamun ở cõi vĩnh hằng, Joanna Gillan, đồng sáng lập chuyên trang khảo cổ Ancient Origins, viết trên trang này hôm 12/7.
Phân tích cho thấy bao cao su của Tutankhamun chứa dấu vết ADN của vị pharaoh này. Nó được làm từ một chiếc bao bằng vải lanh cao cấp ngâm trong dầu olive và gắn vào sợi dây dùng để buộc quanh thắt lưng. Có niên đại từ khoảng năm 1350 trước Công nguyên, đây là loại bao cao su cổ xưa nhất từng ghi nhận còn tồn tại.
Nếu dùng để tránh thai thay vì các mục đích nghi lễ hoặc phòng bệnh, có vẻ nó không mang lại hiệu quả cao, theo Gillan. Thực tế, các chuyên gia cũng tìm thấy hài cốt của hai thai nhi trong lăng mộ Tutankhamun, và xét nghiệm gene cho thấy vị pharaoh này là cha ruột.
Trang 1 và một phần của trang 2 của Giấy cói y học Kahun tồn tại từ khoảng năm 1825 trước Công nguyên. (Ảnh: Francis Llewellyn Griffith)
Người Ai Cập cổ đại cũng có các biện pháp tránh thai khác, Gillan cho biết. Nội dung viết trên Giấy cói y học Kahun (còn gọi là Giấy cói phụ khoa), tồn tại từ khoảng năm 1825 trước Công nguyên, gợi ý việc sử dụng hỗn hợp gồm phân cá sấu và một số thành phần khác. Hỗn hợp này sau đó được dùng để tạo ra một dạng vòng tránh thai. Theo một giả thuyết, phân cá sấu có tính kiềm và đóng vai trò như một chất diệt tinh trùng.
Ai Cập có thể là một trong những nền văn minh đầu tiên sử dụng bao cao su, nhưng những nền văn minh khác cũng sớm tiếp bước. Ở La Mã cổ đại, bao cao su được làm từ vải lanh và bàng quang hoặc ruột động vật. Trung Quốc cổ đại sử dụng giấy lụa tẩm dầu. Tại Nhật Bản, người xưa dùng mai rùa hoặc sừng động vật. Bộ lạc Djukas cổ xưa ở New Guinea có bao cao su dành cho phụ nữ làm từ một loại cây. Trong khi đó, người Hồi giáo và Do Thái thời Trung Cổ bôi hắc ín hoặc ngâm dương vật trong nước ép hành tây.
Khi đợt bùng phát giang mai đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào thế kỷ 15 trong quân đội Pháp, nhu cầu về biện pháp bảo vệ trở nên thiết yếu hơn và những miếng vải lanh ngâm trong dung dịch hóa học được sử dụng rộng rãi. Ngoài vải lanh, một số bao cao su thời Phục hưng còn làm từ bàng quang hoặc ruột động vật. Bao cao su được cách mạng hóa vào đầu thế kỷ 19 với việc sử dụng cao su. Đến năm 1850, một số công ty cao su bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm này.
- 3.000 năm thăng trầm của bao cao su
- Những sự thật kinh hoàng về bao cao su thời cổ đại
- Kính viễn vọng James Webb chứng minh khả năng bắt sự sống ngoài hành tinh